Clip: Độc đáo thú chơi tép cảnh ở Hà Tĩnh
Tép cảnh hay tép thủy sinh là một thuật ngữ chung cho nhiều loại tép. Với kích thước chỉ nhỉnh hơn đầu que tăm, tép cảnh có nhiều tên gọi khác nhau như cherry đỏ, ong, cọp, kinh kong, mũi đỏ, chấm trắng, xanh lá, bí vàng… tùy thuộc chủng loại.
Loài sinh vật cảnh này có vẻ ngoài nhiều màu sắc, lại ăn rau hại trong bể kính, làm sạch môi trường nên dễ dàng “hấp dẫn” nhiều người chơi. Hầu hết những loại tép cảnh phổ biến ở Việt Nam có nguồn gốc từ Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia...
Mặc dù tép cảnh đang được ưa chuộng nhưng lại khá “kén” người nuôi vì tuổi thọ của loài này rất thấp, dễ sinh bệnh và khả năng lây bệnh cao. Đồng thời việc nhân giống tép đòi hỏi người nuôi phải có trình độ kỹ thuật cao.
.
Anh Lê Tuấn Anh (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) bật mí: Tép cảnh nhạy cảm với thời tiết, thức ăn, môi trường nước và ánh sáng vì vậy người chơi cần phải rất rõ về bệnh lý của chúng, theo dõi sát sao những biểu hiện bất thường để tránh việc chúng đổ bệnh.
Yếu tố quan trọng nhất để tép cảnh lên màu đẹp và sống khỏe chính là chất lượng nước.
Nếu thấy tép cảnh có biểu hiện bơi yếu, lờ đờ cần thay nước ngay lập tức. Nếu tép cảnh có hiện tượng đổi màu, nhạt màu nghĩa là chất lượng nước đang đi xuống. (Trong ảnh là các loại tép khá dễ sống như: tép đỏ RC, Socola, Blue Dream...)
Vào mùa hè, người chơi tép cảnh ở Hà Tĩnh cũng khá vất vả để duy trì nhiệt độ lý tưởng vì hầu hết các dòng tép cảnh đều ưa nhiệt độ mát lạnh. Ở nhiệt độ cao hơn 28 độ C, tép cảnh sẽ không thể đẻ trứng, thậm chí bị phai màu.
Để duy trì môi trường sống lý tưởng cho tép cảnh, người chơi còn phải đầu tư thêm một số dụng cụ hỗ trợ như hệ thống lọc, đèn chiếu, phân nền, quạt giải nhiệt, máy đo PH, nhiệt kế...
Tép cảnh là loại ăn tạp, không cần phải có thức ăn đặc biệt. Ngoài các loại tảo, rêu hại, thức ăn từ thực vật thì người chơi cũng có thể bổ sung thêm một số loại thức ăn chuyên dụng.
Giá thành của tép phụ thuộc vào chủng loại, hoa văn, màu sắc trên vỏ và độ hiếm của nó. Phổ biến và giá cả vừa túi tiền nhất là loại Red cherry (tép Anh Đào) khoảng 20- 50.000 đồng/cặp. Đắt hơn có các loại tép vàng, tép đen, Kingkong, Panda, Red Ruby... từ 100.000 ngàn đồng đến vài triệu/con. Đặc biệt, có những loại tép lai, tép đột biến được rao giá hàng chục triệu đồng.
Dù thú chơi tép cảnh có phần cầu kỳ nhưng với nhiều người việc chăm sóc, nâng niu từng con tép bé nhỏ lại trở thành sở thích. Anh Nguyễn Cao Cường (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Sau một ngày dài vất vả thì khoảng thời gian ngắm tép, chăm tép mang đến cho mình cảm giác thoải mái. Việc chăm tép cũng tập cho mình tính kiên nhẫn, bởi nóng vội, mất bình tĩnh khó kiểm soát được việc chăm sóc bể và giữ tép”.