“Thư ký” trực tuyến hỗ trợ đắc lực cho thẩm phán Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đóng vai trò là thư ký làm việc trực tuyến 24/7, hỗ trợ tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho từng tình huống pháp lý cụ thể..., phần mềm trợ lý ảo đã trở thành cánh tay đắc lực cho đội ngũ cán bộ TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cuối tháng 5/2022, TAND TP Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử vụ án hôn nhân gia đình về “ly hôn, nuôi con và chia tài sản” giữa chị P.T.M. và anh N.V.C. (TP Hà Tĩnh). Người trực tiếp xét xử vụ án là Thẩm phán Trần Đức Chính (Chánh án TAND TP Hà Tĩnh).

Ngoài vấn đề chia tài sản, một tình tiết quan trọng của vụ án là trong 2 người con có một cháu là con riêng của người vợ. Anh C. đề nghị được nuôi dưỡng người con chung nhưng nguyện vọng của cháu bé muốn được ở với mẹ. Để đưa ra phán quyết thấu tình đạt lý, Thẩm phán Trần Đức Chính đã sử dụng phần mềm trợ lý ảo và tìm kiếm các vụ án tương tự.

“Thư ký” trực tuyến hỗ trợ đắc lực cho thẩm phán Hà Tĩnh

Thẩm phán Trần Đức Chính (Chánh án TAND TP Hà Tĩnh) truy cập vào ứng dụng trợ lý ảo để tìm hiểu các bản án tương tự khi xét xử vụ cố ý gây thương tích.

Không mất nhiều thời gian, phần mềm này đã cung cấp cho thẩm phán về án lệ cũng như hướng dẫn áp dụng pháp luật. Nhờ vậy, những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án của chủ tọa phiên tòa đã được tháo gỡ.

Tại phiên tòa, sau khi đưa ra phân tích, nhận định về vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận sự thỏa thuận ly hôn giữa nguyên đơn và bị đơn; chia tài sản gồm quyền sử dụng đất, nhà, xe ô tô...; tuyên con chung do chị M. nuôi dưỡng và anh C. có nghĩa vụ cấp dưỡng đến khi cháu đủ 18 tuổi.

Video: Thẩm phán Trần Đức Chính hướng dẫn tra cứu thông tin trên phần mềm trợ lý ảo

Trợ lý ảo có kho dữ liệu đầu vào được chuẩn hóa lên tới hơn 150.000 văn bản pháp luật và văn bản dưới luật, 43 án lệ, hơn 680.000 công bố bản án... Tận dụng kho tri thức pháp luật này, Thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng (Chánh án TAND huyện Hương Khê) thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu để nâng cao năng lực, chuyên môn trong công tác xét xử.

Thẩm phán Tùng nêu ví dụ, ngày 7/9/2022, TAND huyện Hương Khê xét xử bị cáo N.Đ.T. (SN 1976, trú xã Phú Phong, Hương Khê) về tội “Trộm cắp tài sản”. Theo cáo trạng của Viện KSND huyện, khoảng 11h ngày 24/5/2022, trên đường đi bộ về nhà, T. phát hiện xe mô tô cắm sẵn chìa khóa đang để trước sân nhà văn hóa (thuộc thị trấn Hương Khê) nên đã lấy trộm. Sau khi phát hiện tài sản bị lấy trộm, anh C.V.Đ. (SN 1979, trú thị trấn Hương Khê) - chủ sở hữu chiếc xe đã trình báo cơ quan chức năng. Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê xác định N.Đ.T. là thủ phạm.

“Dù đây là vụ án trộm cắp tài sản với tính chất đơn giản và TAND huyện Hương Khê đã tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử bị cáo nhưng để thận trọng khi lượng hình, tôi đã tra cứu tài liệu trong phần mềm trợ lý ảo. Ngoài việc xem xét quy định của pháp luật để phân biệt với các tội phạm có dấu hiệu cấu thành tương tự như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản..., tôi còn tìm hiểu cách áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo các văn bản hướng dẫn” - Thẩm phán Tùng cho biết.

“Thư ký” trực tuyến hỗ trợ đắc lực cho thẩm phán Hà Tĩnh

Thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng trong một phiên xét xử trực tuyến.

Tiện lợi, dễ dàng trong tra cứu văn bản pháp luật là đánh giá của Thẩm phán Hoàng Trung Thông (Phó Chánh án TAND huyện Nghi Xuân) khi nói về phần mềm trợ lý ảo.

“Thay vì mất nhiều thời gian để tìm kiếm, rà soát các văn bản giấy nằm rải rác, việc tích hợp toàn bộ cơ sở dữ liệu về văn bản pháp luật, các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, công văn hướng dẫn, án lệ và công bố bản án... trên trợ lý ảo đã giúp công việc của chúng tôi trở nên nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, thẩm phán có thể đặt các câu hỏi, đưa ra các băn khoăn trong quá trình giải quyết vụ án và được trả lời, giải đáp cụ thể” - Thẩm phán Thông trao đổi.

“Thư ký” trực tuyến hỗ trợ đắc lực cho thẩm phán Hà Tĩnh

Sử dụng phần mềm trợ lý ảo giúp việc tìm kiếm các văn bản pháp luật của Thẩm phán Hoàng Trung Thông thuận lợi, nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều.

Phần mềm trợ lý ảo thực hiện số hóa kinh nghiệm xử án của các thế hệ thẩm phán giỏi, từ đó, tạo ra “thư ký” trực tuyến 24/7, hỗ trợ các thẩm phán trong quá trình nghiên cứu, phân tích, giải quyết vụ án như: tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho từng tình huống pháp lý cụ thể; án lệ và bản án tương tự để tham khảo.

Kể từ khi được đưa vào sử dụng (tháng 4/2022), trợ lý ảo còn đóng vai trò là cánh tay đắc lực, hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp tòa án tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp; cung cấp dịch vụ chỉ dẫn pháp luật và đoán định tư pháp cho người dân trong tương lai như trả lời về tội danh hoặc dạng tranh chấp dân sự dựa trên dữ liệu về hành vi, tình huống pháp lý...

Trước mỗi phiên tòa, thư ký phải nghiên cứu kỹ các điều luật có liên quan đến vụ án và tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định. Phần mềm trợ lý ảo giúp đội ngũ thư ký tòa án rút ngắn thời gian chuẩn bị phiên tòa. Các thông tin do trợ lý ảo cung cấp có độ chính xác cao, kể cả ngày ban hành, ngày có hiệu lực, ngày hết hiệu lực, nội dung các điều khoản...

“Thư ký” trực tuyến hỗ trợ đắc lực cho thẩm phán Hà Tĩnh

Phần mềm trợ lý ảo được xem là thư ký trực tuyến hỗ trợ đắc lực cho cán bộ ngành Tòa án Hà Tĩnh trong thực hiện nhiệm vụ.

Chánh án TAND tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu khẳng định: "Với nhiệm vụ đảm bảo bản án, quy định của tòa án đúng pháp luật, nghiêm minh; không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm, thời gian tới, TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử, đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường phiên toà xét xử trực tuyến, khai thác dữ liệu trên phần mềm trợ lý ảo nhằm đáp ứng cải cách tư pháp trong tình hình mới”.

Chủ đề Tòa tuyên án

Đọc thêm

“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.