Trung Quốc chứng kiến số ca viêm phổi gia tăng trong mùa thu này. Ảnh: Kyodo News
Mặc dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy số ca nhiễm vi khuẩn Mycoplasma gia tăng trên diện rộng hoặc rõ rệt ở những nơi khác ở Mỹ, nhưng vi khuẩn này có xu hướng gây ra các đợt bùng phát bệnh viêm phổi cứ sau chu kỳ 1 đến 3 năm. Mỹ chưa có làn sóng dịch bệnh thực sự đối với loại khuẩn này kể từ trước đại dịch COVID-19. Các chuyên gia cho rằng không quá ngạc nhiên nếu gia tăng các ca mắc trong năm nay.
Tiến sĩ Buddy Creech, một nhà nghiên cứu kiêm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Đại học Vanderbilt, cho biết: “Chúng tôi dự đoán sẽ có một số thời điểm tình hình nhiễm Mycoplasma tồi tệ hơn những mùa khác. Chúng tôi chắc chắn trên khắp nước Mỹ và châu Âu, năm nay có thể tồi tệ hơn những năm khác”.
Tuần trước, các chuyên gia châu Âu tiến hành điều tra các ca mắc Mycoplasma tại 45 địa điểm ở 24 quốc gia đã ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh bắt đầu tăng trở lại vào đầu năm nay. Theo một bài viết xuất bản trên tạp chí The Lancet Microbe, vào mùa hè và mùa thu năm nay, mức tăng ca mắc trung bình đã gấp 4 lần, với mức tăng chủ yếu ở châu Á và châu Âu.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tình trạng kháng kháng sinh được sử dụng để điều trị bệnh này có thể đóng một vai trò trong việc gia tăng các ca viêm phổi ở Trung Quốc.
Tiến sĩ Peter Hotez, đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển Vaccine Bệnh viện Nhi đồng Texas, cho biết: “Các dịch bệnh sẽ bùng phát định kỳ theo chu kỳ vài năm một lần, đặc biệt là ở trẻ từ 5 đến 12 tuổi, cũng như trẻ em trong độ tuổi đi học”.
Mặc dù không phải là cái tên quá quen thuộc với các bậc phụ huynh, nhưng vi khuẩn Mycoplasma không còn là điều bí ẩn đối với các bác sĩ. Nó là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm phổi nhẹ, gây ra ho có thể kéo dài hàng tuần, thường kèm theo sốt và nhức đầu, nổi mẩn đỏ ở thân, lưng hoặc cánh tay.
Viêm phổi là tình trạng viêm khiến phổi chứa đầy chất lỏng hoặc mủ, có nhiều nguyên nhân, bao gồm virus, vi khuẩn và hóa chất. Tại các nước, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do COVID-19, cúm và virus hợp bào hô hấp RSV gây ra đang gia tăng, khiến các trường hợp viêm phổi cũng tăng theo.
Ngày 28/11, các quan chức y tế ở quận Warren (bang Ohio) cho biết họ đã chứng kiến số ca viêm phổi ở trẻ em cao hơn bình thường, với 142 trường hợp kể từ tháng 8.
Trong một thông cáo báo chí mới đây, giới chức y tế khẳng định: “Chúng tôi không nghĩ đây là một bệnh hô hấp mới mà là gia tăng đáng kể về số ca viêm phổi thường thấy”.
Các tác nhân gây viêm phổi bao gồm vi khuẩn Mycoplasma và Strep, cũng như adenovirus.
Trong một tuyên bố ngày 1/12, Tiến sĩ Mandy Cohen - Giám đốc CDC – cho hay: “Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận thấy bất cứ điều gì bất thường về các trường hợp ở khoa cấp cứu liên quan đến viêm phổi”.
Những điều cha mẹ nên biết
Tiến sĩ Creech cho biết hầu hết các trường hợp viêm phổi do Mycoplasma gây ra đều có xu hướng nhẹ hơn nên thường được điều trị tại phòng khám nhi khoa.
“Trong những tình huống này, thường bác sĩ không chỉ định xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Thay vào đó, các bác sĩ nhi khoa sẽ sử dụng kháng sinh. Nếu liệu trình có tác dụng thì bệnh nhân sẽ khỏi bệnh. Nếu không có tác dụng thì trẻ sẽ đến bệnh viện và được xét nghiệm”, Tiến sĩ Creech lý giải.
Các loại kháng sinh hàng đầu điều trị hầu hết các loại bệnh viêm phổi không có tác dụng đối với bệnh do khuẩn Mycoplasma gây ra. Đối với những trường hợp này, bác sĩ cần kê đơn một loại kháng sinh khác, điển hình là azithromycin hoặc Z-Pak.
Tuy nhiên, Z-Pak không thực sự có tác dụng tốt đối với bệnh viêm phổi do những nguyên nhân khác gây ra. Vì vậy các bác sĩ và phụ huynh phải cân nhắc kỹ về cách điều trị các ca mắc này.
“Điều quan trọng mà các bậc cha mẹ cần lưu ý là khi bắt đầu dùng kháng sinh điều trị viêm phổi, sẽ thấy ngay tác dụng trong vài ngày đầu. Còn nếu không, chúng ta sẽ cần kiểm tra lại với bác sĩ nhi khoa”, vị chuyên gia khuyến cáo.