Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại EAS lần thứ 12. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại hội nghị, các nước tiếp tục khẳng định đây là diễn đàn hàng đầu của các nhà lãnh đạo bàn các vấn đề chiến lược về chính trị-an ninh và phát triển kinh tế ở khu vực, đồng thời cũng là cơ chế hợp tác quan trọng do ASEAN sáng lập với sự tham gia của hầu hết các nước lớn trên thế giới.
Các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực và tăng cường vai trò của diễn đàn, đặc biệt trong định hình cấu trúc khu vực mở, cân bằng, minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ. Trên tinh thần đó, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đã thông qua trên nguyên tắc việc bổ sung “hợp tác biển” thành lĩnh vực ưu tiên mới của EAS với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành viên EAS trong chia sẻ thông tin, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển (như vấn đề cướp biển, cướp có vũ trang, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm biển, tại nạn hàng hải...).
Các nước cũng trao đổi sâu về tình hình quốc tế và khu vực, bày tỏ quan ngại về diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên, ở Biển Đông và tình hình ở Bang Rakhine của Myanmar trong thời gian gần đây.
Đánh giá về tình hình thế giới nói chung và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nói riêng đang đứng trước những thử thách lớn hơn bao giờ hết, với hàng loạt các thách thức mới nổi tác động trực tiếp đến an ninh và ổn định của toàn thế giới như sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, các vấn đề xuyên biên giới, an ninh mạng, mua bán người, biến đổi khí hậu... các nhà lãnh đạo cho rằng các nước cần phải cùng nhau cam kết hợp tác ứng phó và nỗ lực thực hiện mục tiêu chung duy trì hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Đáng chú ý, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua 4 tuyên bố EAS về “Chống rửa tiền và chống tài trợ chủ nghĩa khủng bố”, “Chống lan truyền tư tưởng khủng bố”, “Vũ khí hoá học” và “Hợp tác giảm nghèo”, thể hiện cam kết cao của từng quốc gia thành viên nhằm kịp thời xử lý các thách thức nổi lên ở khu vực và trên toàn cầu vì an ninh, thịnh vượng và tương lai chung của người dân.
Cũng tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN và 8 nước đối tác hoan nghênh Canada và EU lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á với tư cách khách mời của Chủ tịch ASEAN và ghi nhận nguyện vọng trở thành thành viên chính thức của EAS của hai đối tác đối thoại này.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: ASEAN cũng như các nước khác trong khu vực và trên thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh mạng và an ninh biển... Thủ tướng cũng chia sẻ quan ngại về tình hình Bán đảo Triều Tiên, nhất là các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân vừa qua, đe dọa môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh các định hướng hợp tác EAS thời gian tới: Tăng cường đối thoại và hợp tác thực chất; xây dựng cấu trúc khu vực mở, cân bằng, minh bạch, dựa trên luật lệ; tăng cường vai trò của EAS trong xử lý các thách thức khu vực; hoan nghênh việc EAS đưa hợp tác biển trở thành lĩnh vực ưu tiên mới.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng khẳng định lại lập trường đã được ASEAN thống nhất, trong đó có các nguyên tắc được nêu tại Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 50 (8/2017).
Thủ tướng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua khung Bộ quy tắc COC vào tháng 8 vừa qua và khẳng định việc cần thiết thúc đẩy đàm phán một COC mang tính khả thi, ràng buộc pháp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, nhằm góp phần duy trì Biển Đông hòa bình, ổn định lâu dài và bền vững.