Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trong tháng 11 có nhiều sự kiện lớn, nhiều vấn đề nổi cộm của đất nước và thế giới. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình 74 văn bản, báo cáo và Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021. Tại kỳ họp này, từ đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội đã phê chuẩn 3 thành viên Chính phủ: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
“Chúng tôi đã trực tiếp đến trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm và phát biểu với các đồng chí”, Thủ tướng nói và cùng các thành viên Chính phủ nhiệt liệt chúc mừng 3 thành viên Chính phủ mới.
Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị của các thành viên Chính phủ cho kỳ họp Quốc hội vừa qua, “rất trách nhiệm, tài liệu gửi kịp thời, đặc biệt tham gia trả lời chất vấn, tham gia phát biểu ý kiến”. Gần như 100% các thành viên Chính phủ đều phát biểu trước Quốc hội về các vấn đề liên quan thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Sự kiện nữa trong tháng 11 là việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan, thông qua 84 văn kiện, là số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, 10 nước ASEAN và 5 đối tác đã ký Hiệp định RCEP, tạo nên một thị trường lớn với 2,2 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Thời gian qua, chúng ta đã tập trung chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt. Thủ tướng, Phó Thủ tướng trực tiếp đến các vùng bị ảnh hưởng xem xét, chỉ đạo xử lý. Đã xuất cấp gần 16.000 tấn gạo và gần 1.300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương. Các tổ chức, cá nhân, những tấm lòng hảo tâm hướng về đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi 9 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, mưa lớn lịch sử. Chúng ta đã cơ bản khắc phục một bước, nhưng thiệt hại lớn nên sẽ tiếp tục triển khai công tác này.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về công tác dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, ứng phó, cứu trợ, khắc phục hậu quả bão, lũ và cứu hộ, cứu nạn tại các tỉnh miền Trung thời gian qua.
Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại phiên họp, Thủ tướng đề cập đến trường hợp lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng ở TPHCM và cho biết, hôm qua, Thường trực Chính phủ đã họp về vấn đề này, chỉ đạo “thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng”.
Thủ tướng đã có chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức liên quan không thực hiện đúng quy trình cách ly làm lây nhiễm bệnh; giao Bộ GTVT xử lý trực tiếp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. “Tinh thần là quyết liệt hơn nữa, thực hiện nghiêm túc các biện pháp”, Thủ tướng nêu rõ. Không để dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến các hoạt động, sự kiện lớn của đất nước. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo thêm về vấn đề này.
Về tình hình KT-XH tháng 11 và 11 tháng, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH&ĐT báo cáo, “tinh thần là chúng ta tiếp tục tháo gỡ hơn nữa cho sản xuất kinh doanh, kể cả vấn đề đầu tư công và các mặt khác” để tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng 12, một tháng có rất nhiều ý nghĩa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết 01, một nghị quyết quan trọng của năm 2021.
“Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo khả năng sẽ vượt thu ngân sách và từ đó theo thống kê mà đồng chí Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng KH&ĐT) báo cáo sau đây, chúng ta sẽ đạt mức tăng trưởng từ 2,5 - 3%”, Thủ tướng nói. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam, có thể phục hồi tăng trưởng 7% hoặc trên 7% trong năm 2021. Trong khối ASEAN, Việt Nam giữ được đà tăng trưởng có thể nói là cao nhất.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát được kiểm soát, xuất siêu kỷ lục, dự trữ ngoại hối cao. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Điều này một lần nữa thể hiện sự ghi nhận của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vào thành tựu phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn, là đối tác quan trọng của Việt Nam và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư. Trong nước, sản xuất công nghiệp tăng, nhưng chậm lại so với tháng trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm. Mặc dù còn khó khăn, thách thức, nhiều cơ hội vẫn đang rộng mở để Việt Nam có thể nắm bắt, vươn lên. Các cân đối vĩ mô quan trọng được giữ vững tạo điều kiện tốt để tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hiệp định EVFTA và RCEP là thời cơ tốt để thúc đẩy thương mại. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án nối lại hoạt động thương mại, đầu tư.