Thưa thớt học sinh, các trung tâm GDNN - GDTX "chết lâm sàng"!

(Baohatinh.vn) - Ngày 20/1/2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 217/QĐ-UBND về việc chuyển giao các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) từ Sở GD&ĐT về UBND các huyện, thành, thị quản lý. Sau 5 năm, nhiều trung tâm đã rơi vào tình trạng hết sức khó khăn.

Thiếu học sinh, lãng phí cơ sở vật chất

Nguồn kinh phí khoảng 40 tỷ đồng đã mang lại sự bề thế, hoành tráng cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác tuyển sinh nên hoạt động của trung tâm gần như tê liệt, cơ sở vật chất trường lớp lãng phí. Chứng kiến cảnh đìu hiu, hoang vắng, máy móc han gỉ, những dãy nhà xuống cấp theo thời gian, nhiều người không khỏi xót xa.

Thầy Đoàn Văn Dương - Giám đốc trung tâm cho biết: “Năm học này, chúng tôi chỉ tuyển được 12 học sinh (HS) bổ túc, nâng tổng số HS bổ túc lên 46 em. Chúng tôi có liên kết với các trường THPT trên địa bàn đào tạo nghề cho hơn 400 HS, nhưng chủ yếu là nghề nấu ăn, điện, nghiệp vụ du lịch… nên nhiều loại máy móc không sử dụng đến”.

thua thot hoc sinh cac trung tam gdnn gdtx chet lam sang

Giờ học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vũ Quang có rất ít học sinh.

2 năm nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vũ Quang cũng không thể tuyển sinh. Thầy Võ Quang Huy - Giám đốc trung tâm lo lắng: “HS vào các trường THPT vẫn còn thiếu chỉ tiêu thì làm sao chúng tôi có thể tuyển sinh được. Cứ như thế này thì vài năm tới, trung tâm sẽ không có lớp, việc lãng phí nguồn nhân lực 14 giáo viên, trong đó có 4 thạc sỹ là điều hiện hữu”.

“Bi đát” nhất là Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đức Thọ. Một cơ sở vật chất khang trang, bề thế với nhà xưởng thực hành, nhà học cao tầng được đặt ở vị trí “vàng” nhưng mấy năm nay không có bóng dáng học viên. Một phần khuôn viên trung tâm dành để làm sân học lái xe, phần còn lại rêu phong phủ kín. Hiện, huyện đã ban hành quyết định giải thể nhưng hiệu lực phải chờ đến năm 2020.

Giám đốc Nguyễn Khoa Toàn cho biết: “Hoạt động của trung tâm chỉ còn lại 1 lớp đào tạo liên kết với Trường Đại học Hà Tĩnh cho 23 học viên và một số đợt đào tạo lái xe A1. Huyện đã ban hành quyết định giải thể vào năm 2020, đồng nghĩa, trung tâm phải kéo dài tình trạng "sống dở, chết dở" này trong 3 năm nữa”.

Khó khăn tìm lời giải

Tại hội nghị tổng kết 5 năm phân cấp các trung tâm GDNN-GDTX về huyện, thị xã, thành phố, ông Đoàn Đình Anh - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) cho rằng: “Giải quyết khó khăn trong công tác tuyển sinh ở các trung tâm không chỉ dừng lại ở phân luồng, hướng nghiệp, tuyên truyền cho các bậc phụ huynh, HS mà cần phải quy hoạch lại mạng lưới trường THPT, giải thể và sáp nhập một số trường THPT. Nhưng vấn đề này, ngành giáo dục vẫn chưa có phương án đề xuất với tỉnh”.

Theo số liệu từ Sở GD&ĐT, con số tuyển sinh năm học 2017 - 2018 của mô hình đào tạo bổ túc trên toàn tỉnh là 1.029 học viên thì 12 trung tâm chỉ có 525 (còn lại 2 trường cao đẳng công nghệ và trung cấp nghề là 504). Từ số liệu và thực tế trong công tác đào tạo, nhiều ý kiến cho rằng, việc cân nhắc sáp nhập các trung tâm với trường nghề cũng là một phương án.

Ngoài những khó khăn trên, mỗi trung tâm còn chịu sự quản lý, chỉ đạo của 3 đơn vị ở 2 cấp khác nhau. Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo chuyên môn dạy nghề; Sở GD&ĐT chỉ đạo chuyên môn về giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp; UBND huyện quản lý về tài chính, nhân sự, thi đua… Nhiều cán bộ ở các trung tâm từng thốt lên rằng: Việc tìm nơi đích thực để kêu khó cũng đã rất khó!.

Từ những vấn đề trên, việc tháo gỡ khó khăn, bế tắc ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên vẫn đang là bài toán chưa có lời giải thấu đáo.

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.