Đến thời điểm hiện tại, Trường Mầm non Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) đã thống nhất các khoản thu và mức thu dịch vụ để thực hiện công tác bán trú cho 244 trẻ. Việc thỏa thuận các mức giá dịch vụ (tiền ăn mỗi ngày 19 nghìn đồng/cháu, các khoản hợp đồng cô nuôi, chăm sóc bán trú gần 190 nghìn đồng/cháu/tháng) được thực hiện công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao của các bậc phụ huynh.
Giờ ăn của học sinh Trường Mầm non Cẩm Vịnh.
Cô Hà Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vịnh thông tin: "Để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 107 của HĐND tỉnh quy định các khoản thu và mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục của trường, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của ngành giáo dục. Theo đó, trường đã tổ chức hội nghị phụ huynh để lấy ý kiến về phương án, mức thu các dịch vụ bán trú. Sau khi được đồng ý của địa phương và được Phòng GD&ĐT phê duyệt phương án thực hiện, nhà trường đã tổ chức niêm yết công khai trên trang thông tin của trường và thực hiện việc thu theo thỏa thuận”.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, các trường học trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đều đã xây dựng phương án, dự toán thực hiện các khoản thu để trình Phòng GD&ĐT phê duyệt. Trên cơ sở đó, Phòng GD&ĐT thành lập 3 tổ công tác để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại một số nhà trường trước khi phê duyệt.
Dịch vụ bán trú, hợp đồng cô nuôi cũng là một trong những khoản thu nằm trong quy định của Nghị quyết 107/HĐND của HĐND tỉnh.
Cô Nguyễn Thị Xuân Hoàng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên thông tin: “Ở bậc THCS chủ yếu xây dựng mức thu việc dạy thêm, học thêm, các bậc tiểu học, mầm non chủ yếu là dịch vụ bán trú. Qua kiểm tra thực tế và dự toán cho thấy, tất cả các đơn vị giáo dục đều bám sát nghị quyết và thực hiện đúng hướng dẫn của ngành”.
Tại huyện Hương Sơn, căn cứ vào Nghị quyết 107 của HĐND tỉnh và các văn bản hướng dẫn của sở, Phòng GD&ĐT cũng đã có văn bản yêu cầu các trường mầm non, phổ thông thực hiện nghiêm túc quy định về các khoản thu trong năm học 2023 - 2024. Đến thời điểm hiện tại, các trường học đã bắt đầu triển khai các bước thực hiện theo đúng quy trình và các phương án thu chi được xây dựng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương.
Ngoài các khoản thu vệ sinh các công trình phục vụ học sinh, nước uống, giấy thi, Trường Tiểu học Sơn Tây còn thống nhất khoản thu môn tiếng Anh tự chọn ở lớp 1, 2.
Cô Trần Thị Kiều Liên - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn) chia sẻ: “Sau quá trình nghiên cứu nghị quyết và các hướng dẫn, chúng tôi vừa tổ chức họp phụ huynh tại 23/23 lớp, khảo sát ý kiến của tổng số 781 phụ huynh. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chúng tôi chủ yếu thống nhất các khoản thu vệ sinh các công trình phục vụ học sinh, nước uống, giấy thi, ở lớp 1 và 2 có thêm môn tiếng Anh tự chọn. Các mức thu đưa ra đều phù hợp với điều kiện thực tế, được phụ huynh đồng thuận cao. Sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo địa phương và trình Phòng GD&ĐT huyện phê duyệt kế hoạch”.
Tại huyện Thạch Hà, ngay sau khi có nghị quyết, huyện đã tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho lãnh đạo Phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các nhà trường. Trên cơ sở đó, Phòng GD&ĐT cũng đã tập huấn thêm cho đội ngũ kế toán đồng thời phối hợp với các nhà trường xây dựng bộ hồ sơ về quy trình thực hiện để các trường tham khảo.
Huyện Thạch Hà tập huấn công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 107.
“Hiện tại, việc thực hiện Nghị quyết 107 đang được các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn triển khai thực hiện theo các bước quy định. Thời gian tới, phòng sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát tại các trường trước khi phê duyệt kế hoạch thực hiện các khoản thu”, cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT Thạch Hà thông tin.
Theo tìm hiểu thực tế, đến thời điểm hiện tại, các địa phương trên toàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các khoản thu và mức thu dịch vụ, phục vụ hỗ trợ các hoạt động giáo dục theo đúng tinh thần của Nghị quyết 107. Việc thu, chi bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao trong phụ huynh.
Ngay sau khi có Nghị quyết 107/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định các khoản thu và mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Sở GD&ĐT đã có 2 văn bản hướng dẫn cụ thể đến các phòng giáo dục và các nhà trường. Hướng dẫn cũng nêu rõ: Các dịch vụ quy định là dịch vụ trực tiếp phục vụ học sinh, tự nguyện theo nhu cầu học sinh và phụ huynh, học sinh không có nhu cầu không cần tham gia.
Mức thu quy định theo nghị quyết là mức thu tối đa, mức thu cụ thể tại các trường do cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh thỏa thuận trên cơ sở chất lượng dịch vụ, dự toán chi phí hợp lý thực hiện dịch vụ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và từng cấp học.