Theo thống kê chưa đầy đủ, các nước, tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ, viện trợ khẩn cấp hơn 13 triệu USD để Việt Nam khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi) với người dân các tỉnh miền Bắc.
Sáng nay 18/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp thông báo về việc tiếp nhận viện trợ khẩn cấp hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi).
Ngay sau khi tiếp nhận nhiều tấn hàng hoá hỗ trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển đến các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang...
Thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp gửi lời cảm ơn tới các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế về sự hỗ trợ nhanh chóng, chính xác.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai nhưng không hứng chịu nhiều cơn bão mạnh, trung bình các cơn bão có sức gió giật cấp 12 là lớn nhất. Bão số 3 là cơn bão lịch sử, với sức gió giật cấp 15 đổ bộ đất liền, vượt sức chịu đựng của hạ tầng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh theo đánh giá ban đầu, thiệt hại kinh tế do bão gây ra lên tới hàng tỷ USD nhưng con số chưa là gì so với hậu quả lâu dài mà cơn bão để lại và sẽ cần nhiều thời thời gian và nguồn lực để khắc phục về hạ tầng, ổn định cuộc sống người dân.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định nỗ lực hỗ trợ của các nước, các tổ chức đến thời điểm này đặc biệt quan trọng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc phối hợp để đánh giá đúng thiệt hại, nhu cầu và điều phối hỗ trợ chính xác là yếu tố quyết định, tránh trường hợp đánh giá không chính xác, gây khó khăn cho việc cứu trợ, viện trợ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, ngoài tổng số tiền mặt 13 triệu USD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận hơn 200 tấn hàng hóa theo các chuyến chuyên cơ khẩn cấp từ Mỹ, Thụy Sĩ, Anh, Ấn Độ… Những kiện hàng với đủ các đồ dùng thiết yếu như thiết bị nhà bếp, y tế, trường học, thiết bị cứu trợ khẩn cấp như nước sạch, lều bạt, thiết bị sửa chữa… đã được kịp thời triển khai tới các địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết ưu tiên của ngành nông nghiệp hiện nay là phục hồi sản xuất một cách sớm nhất để đảm bảo sinh kế cho người dân và kêu gọi sự hỗ trợ lâu dài của các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế trong các nội dung như tư vấn, sinh kế người dân, sản xuất nông nghiệp, dự báo, chia sẻ thông tin… để những thảm họa không lặp lại trong tương lai.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ để ứng phó với bão số 3 và hậu quả của bão, Liên hợp quốc đã đi đầu trong việc kích hoạt 8 lĩnh vực trong quan hệ đối tác giảm thiểu rủi ro thiên tai gồm WASH (Nước, Vệ sinh và Vệ sinh cá nhân), y tế, giáo dục, hỗ trợ lương thực, nơi trú ẩn, phục hồi sớm và bảo vệ.
“Trong cuộc họp gần đây với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi đã tái khẳng định rằng Liên hợp quốc, với tư cách là đơn vị dẫn đầu các lĩnh vực này, đã sẵn sàng lập kế hoạch ứng phó chung. Kế hoạch này sẽ đảm bảo rằng sự hỗ trợ của các nhà tài trợ được phối hợp hiệu quả, cho phép chúng tôi ưu tiên hỗ trợ cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhất,” bà Pauline Tamesis nhấn mạnh.
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew chia sẻ đây là thời điểm có nhiều thách thức đáng kể đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng. Với nhu cầu của các cộng đồng này sẽ tiếp tục tăng lên trong những tuần và tháng tới, Anh mong muốn sẽ hỗ trợ thêm cho các nỗ lực phục hồi.
Chia sẻ với những người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tất cả các bên liên quan để đảm bảo rằng nhu cầu của các cộng đồng, cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi bão, lũ được đáp ứng. Trong thời điểm khó khăn này, chúng tôi vẫn cam kết lắng nghe nhu cầu và phản hồi tốt nhất có thể.”
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và các bên liên quan đã huy động và được sự quan tâm từ các sứ quán, các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế. Trước mắt, các nước, tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ hơn 13 triệu USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận 200 tấn hàng cứu trợ (theo thống kê chưa đầy đủ) từ các Chính phủ Australia, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Nhật Bản (JICA), Trung tâm AHA của ASEAN, các cơ quan Liên hợp quốc (UNDP, UNICEF), tổ chức Samaritan’s Purse.
Dự kiến trong vài ngày tới, Tổ chức Samaritan’s Purse và Chính phủ các nước Nga, Singapore, Indonesia và Australia… có thể tiếp tục hỗ trợ thêm các mặt hàng cứu trợ cần thiết khác../.