Trong bối cảnh hiện nay, vị trí, vai trò và quyền hạn của HĐND ngày càng được khẳng định (Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND). Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng đối với HĐND các cấp của tỉnh được thông qua văn kiện các kỳ đại hội Đảng, các nghị quyết của BCH đảng bộ; các định hướng, yêu cầu về tổ chức bầu cử, bố trí cán bộ từng nhiệm kỳ; định hướng các vấn đề kinh tế - xã hội trọng tâm; mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm…; qua đó, góp phần đổi mới về nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả hoạt động HĐND.
Bí thư Huyện uỷ Can Lộc Nguyễn Như Dũng: Đề án hạn chế các nhận định bằng lời thay vào đó là các số liệu cụ thể, các bảng biểu thống kê để nhìn nhận rõ hơn thực trạng hoạt động.
Tuy nhiên, hoạt động của HĐND vẫn còn những hạn chế như: Nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, chức năng, quyền hạn của Đảng với tư cách là Đảng lãnh đạo toàn diện tuyệt đối và HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; chưa quan tâm đến việc ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND; còn lúng túng trong nhận thức về phương thức lãnh đạo để thể chế hoá các nghị quyết, kết luận của cấp uỷ Đảng thành các nghị quyết của HĐND; kỳ họp của HĐND một số nơi còn hình thức; hoạt động tiếp xúc cử tri chưa thật sự đổi mới…
Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Hương Sơn - Nguyễn Duy Trinh: Cần xem xét lại một số đánh giá tồn tại, hạn chế trong dự thảo đề án.
Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Thắng: Lâu nay ở Thạch Hà vai trò lãnh đạo của Đảng đối với HĐND thông qua các phương thức lãnh đạo bằng chỉ thị, nghị quyết; bằng bộ máy và công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả.
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận sôi nổi, Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu đơn vị soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến phát biểu, bổ sung đề án.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, việc quan trọng là phải đánh giá sâu sát thực trạng của việc Đảng lãnh đạo HĐND. Cái được thì phát huy, cái chưa được thì tập trung khắc phục. Đó là nguyên tắc trong quá trình soạn thảo đề án”.
Bí thư Tỉnh uỷ cũng cho rằng, dự thảo đề án cần giảm phần lý thuyết, thay vào đó bằng các bằng chứng cụ thể để dễ hiểu hơn, thuyết phục hơn; phải có số liệu chứng minh tồn tại đó ở đâu; các giải pháp đưa ra cần có tính thực tiễn, đảm bảo khả thi, quá trình thực hiện phải mang lại hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với các đầu việc, các nội dung phải gắn với công đoạn tổ chức thực hiện một cách cụ thể.
Bí thư Tỉnh uỷ cũng gợi mở một số nội dung liên quan đến phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền như: lãnh đạo bằng nghị quyết, chỉ thị; thông qua bộ máy và đội ngũ cán bộ…
“Đảng lãnh đạo HĐND thì vấn đề là phải có tổ chức đảng. Ở tỉnh có đảng đoàn nhưng ở huyện, ở xã thì lãnh đạo như thế nào? Đó là vấn đề mà trong soạn thảo đề án cần phải cụ thể, để dễ đi vào thực tiễn”, – Bí thư Tỉnh uỷ gợi mở.