Chiều 7/10, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong bối cảnh hội nhập" và gặp mặt doanh nhân trong ngành nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Trần Xuân Lương, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Tĩnh Trần Quốc Lâm chủ trì tọa đàm.
Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Nguyễn Viết Trường. Đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, các địa phương và hơn 100 doanh nghiệp thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh cùng dự.
Thời gian qua, ngành đã tham mưu tổ chức tốt các nội dung, sự kiện như: kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú; hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích mộ và nhà thờ Lê Hữu Trác, trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; phối hợp hoàn thiện, tham mưu UBND tỉnh Đề án “Xây dựng, trùng tu, tôn tạo Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú và Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập”... Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh xếp hạng 14 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; tổ chức thành công lễ đón nhận bằng công nhận Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hiện, ngành đang hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 6 di tích quốc gia, 1 di tích quốc gia đặc biệt; triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”; các hoạt động kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024)...
Về lĩnh vực thể thao, thời gian qua, Hà Tĩnh cũng đã đạt nhiều kết quả cao. Phong trào tập luyện thể dục thể thao gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển, đạt các chỉ tiêu đề ra. Thể thao thành tích cao đạt được nhiều thành tích, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Toàn tỉnh hiện có 516 cơ sở kinh doanh thể dục, thể thao, trong đó 24 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh lĩnh vực thể dục thể thao, chủ yếu kinh doanh bể bơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo, thể hình, Yoga, mô tô nước trên biển…
Về lĩnh vực du lịch, 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham quan đạt 5.141.400 lượt (tăng 79% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng lượt khách lưu trú đạt 767.423 lượt khách, trong đó, khách lưu trú quốc tế đạt 12.725 lượt (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023). Hà Tĩnh hiện nay có 312 khách sạn, nhà nghỉ với gần 7.000 phòng, trong đó: 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao, 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao; có 1.553 nhà hàng ăn uống.
Toàn tỉnh có 28 đơn vị lữ hành, 6 doanh nghiệp vận tải du lịch, 40 khu, điểm du lịch (trong đó có 18 khu, điểm du lịch đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là khu, điểm du lịch cấp tỉnh). Các dịch vụ vui chơi giải trí và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch trên địa bàn được đầu tư phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ phụ trợ du lịch Hà Tĩnh như: tổ hợp giải trí sân golf, khách sạn đẳng cấp ven biển đầu tiên tại Hà Tĩnh của Tập đoàn Mường Thanh, trường đua chó, đua ngựa Xuân Thành, Công viên nước Vinpearl waterpark Cửa Sót, khu nhà nghỉ container ở Xuân Thành, khách sạn Hải Âu Thiên Cầm....
Thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế cả nước nói chung và lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh, xung đột trên thế giới, ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh đã cùng với các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp tích cực triển khai các giải pháp, từng bước phục hồi và phát triển nhằm phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển chung của tỉnh.
Vì thế, tọa đàm là dịp để các doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực VH-TT&DL cùng trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra những hướng đi mới phù hợp. Qua đó thúc đẩy ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh tiếp tục phát triển trong bối cảnh hội nhập.
Tại chương trình tọa đàm, các đại biểu đã được nghe các ý kiến đóng góp, chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi, những cách làm mới... trong việc kinh doanh về lĩnh vực VH-TT&DL tại đơn vị. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị lên ngành những giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc để tiếp tục đưa ngành VH-TT&DL phát triển trong bối cảnh hội nhập. Trong đó, có nhiều ý kiến tập trung đề nghị tỉnh có chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, sản phẩm dịch vụ du lịch; tăng cường tính liên kết giữa các khu, điểm du lịch trong tỉnh; đa dạng hóa và xây dựng sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh.
Đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế du lịch đêm; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong tỉnh, trong vùng và khu vực để tạo chuỗi sản phẩm đa dạng, chất lượng cao; nâng cao quy mô doanh nghiệp cả về nguồn lực vốn và nguồn nhân lực chất lượng cao; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực; quan tâm giải quyết các vướng mắc về thủ tục đất đai cho các dự án du lịch; trong công tác quy hoạch phát triển du lịch phải mang tính chiến lược, bền vững...
Phát biểu tại chương trình tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp lĩnh vực VH-TT&DL Hà Tĩnh vào sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội chung của tỉnh thời gian qua. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với sự phát triển lĩnh vực VH-TT&DL của tỉnh tại buổi tọa đàm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh khai thác các loại hình sản phẩm du lịch biển, du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn... Vì vậy, mong muốn các doanh nghiệp phát huy vai trò đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong xây dựng các sản phẩm dịch vụ, nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của các điểm đến cũng như các sản phẩm, dịch vụ du lịch; tăng cường các hoạt động tuyên truyền quảng bá về hình ảnh, con người, những tiềm năng, lợi thế của Hà Tĩnh để ngày càng thu hút du khách về với quê hương núi Hồng, sông La.
Bế mạc tọa đàm, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh Nguyễn Viết Trường cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự chương trình, đồng thời có nhiều ý kiến tâm đắc, trách nhiệm đối với ngành VH-TT&DL. Các ý kiến phản ánh toàn diện về các khía cạnh trong đầu tư, phát triển, chia sẻ những cách làm hay, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực... Qua đó, đóng góp thúc đẩy ngành VH-TT&DL tiếp tục phát triển. Với vai trò đơn vị chủ quản của ngành, Sở VH-TT&DL sẽ tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp và các cấp quản lý để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Giám đốc Sở VH-TT&DL đề nghị các tổ chức, đơn vị như: Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Doanh nghiệp trẻ... phát huy vai trò là "bà đỡ", đại diện, cầu nối cho các doanh nghiệp với Nhà nước. Qua đó, cùng ngành VH-TT&DL hoàn thành những kế hoạch, mục tiêu tỉnh đề ra. Dịp này, Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Viết Trường cũng gửi lời chúc mừng đến các doanh nhân trong lĩnh vực, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.