Tìm lại nét xưa của vùng đất giàu truyền thống văn hóa Hữu Bằng

(Baohatinh.vn) - Vùng đất Hữu Bằng xưa - nay là xã Sơn Bằng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vốn được biết đến là địa danh giàu truyền thống văn hóa. Ngày nay, chính quyền và Nhân dân địa phương đang nỗ lực khôi phục những di tích bị xuống cấp và nhiều nếp sinh hoạt văn hóa không còn phát huy giá trị trong đời sống...

Tìm lại nét xưa của vùng đất giàu truyền thống văn hóa Hữu Bằng

Đền Phúc Lai là nơi tổ chức lễ hội cầu mưa của xã Sơn Bằng vào ngày 6/6 âm lịch hằng năm.

Là xã miền núi nằm ở trung tâm huyện Hương Sơn, trước Cách mạng tháng 8/1945, xã Sơn Bằng có tên gọi là Hữu Bằng - một cấp hành chính cơ sở được thành lập từ thời Lê sơ.

Với diện tích tự nhiên 584,23 ha, dân số 3.942 nhân khẩu, xã Sơn Bằng hiện tuy không rộng, dân cư không đông nhưng đất và người nơi đây đã kiến tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo. Nhiều thắng cảnh, di tích đã được các thế hệ cha ông tạo nên và bồi đắp cho đời sống như: Bến Đò Lội, đền Phúc Lai, nhà thờ Đào Hữu Ích, nhà thờ Phạm Phúc Kính, nhà thờ Đào Đăng Đệ, nhà thờ Hồ Đắc Thọ…

Trong đó, đền Phúc Lai - nơi thờ thần Tam Lang là chứng tích lịch sử gắn với tiến trình khai phá và hình thành làng cổ Phúc Lai. Đền được xây dựng vào năm Quý Sửu (1433) dưới thời Lê sơ, công trình có quy mô khá lớn gồm có nhà bái đường và hậu cung được làm bằng gỗ lim. Toàn bộ công trình kiến trúc được chạm trổ các đường nét hoa văn tinh xảo.

Xưa kia, đền là địa điểm tổ chức lễ hội cầu mưa của Nhân dân xã Sơn Bằng vào ngày 6/6 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, theo thời gian, lễ cầu mưa đã thất truyền và thế hệ con cháu hiện tại cũng không còn mấy ai biết đến hoạt động này. Vì thế, chính quyền xã Sơn Bằng đang lên kế hoạch sưu tầm lại những tư liệu và tiến hành khôi phục nghi lễ này.

Ông Nguyễn Văn Hóa (74 tuổi, thôn Phúc Bằng) chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là được khôi phục lại lễ cầu mưa vào ngày 6/6 âm lịch hằng năm tại đền Phúc Lai. Đây là nếp sinh hoạt văn hóa đặc trưng gắn với quá trình phát triển của ngôi làng cổ nhất của xã. Đó cũng là cách giúp con cháu hiểu rõ hơn về văn hóa, con người của quê hương".

Tìm lại nét xưa của vùng đất giàu truyền thống văn hóa Hữu Bằng

Mong muốn được khôi phục lại lễ cầu mưa vào ngày 6/6 âm lịch hằng năm tại đền Phúc Lai là tâm nguyện của những thế hệ như ông Nguyễn Văn Hóa.

Tuy là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa nhưng ngày nay, nhiều di tích xưa như bến Đò Lội hay còn gọi là bến Phượng, cổng làng tại mảnh đất Hữu Bằng đã không còn nữa. Hình ảnh cây đa làng Đông, bến Phượng nay chỉ còn lại trong kỷ niệm của những thế hệ đi trước.

Tìm lại nét xưa của vùng đất giàu truyền thống văn hóa Hữu Bằng

Một khúc sông Ngàn Phố, nơi được xem là dấu tích bến Đò Lội xưa tại xã Sơn Bằng.

Cụ Dương Văn Minh (96 tuổi, thôn Trung Bằng) cho biết: “Tôi từng chứng kiến sự hưng thịnh của bến Đò Lội xưa khi đây là nơi giao thương đường thủy của người dân Sơn Bằng với các địa phương khác. Bến Đò Lội ngày xưa có hàng phượng vỹ nở đỏ rực vào mùa hè, nên người dân lúc đó hay gọi là bến Phượng.

Hàng phượng vỹ, bến Đò Lội đã không còn. Tâm nguyện của thế hệ chúng tôi là được nhìn thấy những hình ảnh xưa được khôi phục lại để nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội, cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương”.

Tìm lại nét xưa của vùng đất giàu truyền thống văn hóa Hữu Bằng

Hàng phượng vỹ - đặc trưng của bến Đò Lội đang được chính quyền và người dân xã Sơn Bằng trồng mới

Ông Phạm Quang Giao - công chức văn hóa xã Sơn Bằng cho biết: “Hiện nay, xã đang nỗ lực huy động nguồn lực nhằm khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Trước mắt, xã đã trồng lại hàng phượng vỹ dọc bờ sông Ngàn Phố với tổng chiều dài 400m với mong muốn khôi phục lại bến Phượng trong lịch sử. Xã cũng đang tiến hành xây dựng hệ thống cổng làng mang bản sắc văn hóa của mảnh đất Hữu Bằng.”

Tìm lại nét xưa của vùng đất giàu truyền thống văn hóa Hữu Bằng

Ông Đào Duy Sính (SN 1938) - tộc trưởng họ Đào, cháu đời thứ 5 của cụ Đào Hữu Ích bên “Mộc bản triều Nguyễn khắc về nhà khoa bảng Đào Hữu Ích”

Bên cạnh đó, chính quyền xã Sơn Bằng cũng đã vận động người dân, con cháu trong các dòng họ tổ chức những phong tục, nếp sinh hoạt văn hóa trong các dịp lễ tết nhằm giúp các thế hệ con cháu thấm nhuần hơn lịch sử và văn hóa dòng tộc, quê hương.

Trong đó, con cháu danh nhân Đào Hữu Ích ở thôn Trung Bằng đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm lưu giữ, phát huy các di sản của dòng họ. Cụ Đào Hữu Ích thi đậu cử nhân kỳ Thi Hương năm Đinh Mão, dưới Triều vua Tự Đức năm thứ 20 (1867), được triều Nguyễn bổ nhiệm giữ nhiều trọng trách quan trọng. Ông là vị quan tài năng, đức độ, ham học hỏi, tận tuỵ với công việc và có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước. Những đức tính tốt đẹp và sự đóng góp to lớn của ông đã để lại nhiều bài học cho các thế hệ con cháu hậu thế sau này.

Nhà thờ và phần mộ danh nhân Đào Hữu Ích được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 2015. Hằng năm, trong các dịp lễ tết, con cháu dòng họ thường tề tựu đông đủ để dâng hương tưởng nhớ tiền nhân và tổ chức các hoạt động khuyến học để nhân lên những giá trị quý báu của dòng họ.

Tìm lại nét xưa của vùng đất giàu truyền thống văn hóa Hữu Bằng

Chiếc khánh đá có tuổi thọ trên 135 năm tại nhà thờ và mộ của Danh nhân Đào Hữu Ích luôn được các thế hệ con cháu gìn giữ cẩn thận.

Bà Nguyễn Thị Kim Xanh (SN 1947) - một người cháu đời thứ 5 của cụ Đào Hữu Ích cho biết: “Chúng tôi luôn nêu cao ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa qua các câu chuyện về tiền nhân và những hiện vật mà tổ tiên để lại. Thế hệ trước giáo dục cho thế hệ sau về lòng yêu nước, tinh thần hiếu học, ý thức xây dựng quê hương, đất nước, từ đó không ngừng vượt khó, vươn lên trong cuộc sống”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Bằng Uông Thị Kim Yến cho biết: “Chúng tôi mong muốn, việc khôi phục lại những di tích, danh thắng và phong tục văn hóa xưa sẽ ngày càng nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của đông đảo Nhân dân; không chỉ về vật chất, tinh thần mà còn bằng sự tâm huyết trong sưu tầm, bảo tồn và tham gia phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, của dòng tộc trong đời sống hiện đại".

Chủ đề Hội nghị văn hóa Hà Tĩnh

Đọc thêm

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ ở tỉnh Lâm Đồng nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12, khoe sắc vàng tươi nổi bật giữa không gian cao nguyên mát mẻ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Đường đua phim Việt cuối năm đang trở nên sôi động với các tác phẩm mới dự kiến ra mắt. Những cái tên như "Linh miêu – quỷ nhập tràng", "Công tử Bạc Liêu" hay "Kính vạn hoa" hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu.
Podcast truyện ngắn: Đời biển

Podcast truyện ngắn: Đời biển

Anh hiểu rằng, những chuyến ra khơi không bao giờ dễ dàng, nhưng biển cả luôn cho anh thấy sức mạnh, niềm tin và sự kiên cường - điều đã trở thành máu thịt của cuộc đời mình.
Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Nhân vật mà Lee Byung Hun thủ vai, vốn là người điều hành loạt game ở mùa 1, lại xuất hiện với tư cách thí sinh ở mùa 2. Khoảnh khắc này khiến khán giả ngạc nhiên và tranh luận.
Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Hôm nay, ánh nắng mang một tâm trạng thật khác lạ, nhẹ nhàng và dịu dàng như một thiếu nữ đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời với sự mong chờ xen lẫn chút tiếc nuối...
3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

Đền Nam Phong ở xã Cương Gián, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được trùng tu, xây dựng khang trang, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.