Đông nhưng không mạnh
Theo thống kê, đến ngày 1/3/2017, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước chưa tính bộ đội, công an, khoảng 4 triệu người. Tính ra, tỷ lệ CBCC hưởng lương nhà nước chiếm 43 người/1.000 dân (chưa kể bộ đội, công an). Trong khi đó, một số nước trong khu vực, tính cả bộ đội và công an như Philipines chỉ 13/1.000, Ấn Độ 16/1.000, Indonesia 17/1.000...
Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Trong ảnh: Trung tâm Hành chính công tỉnh Hà Tĩnh giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh tư liệu
Tỷ lệ CBCC cao khiến gánh nặng ngân sách ngày mỗi tăng. Từ năm 2011 - 2015, chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 2,2 lần so với 5 năm trước. Trong chi thường xuyên, lương và phụ cấp khác đã chiếm đến 53%.
Số lượng lãnh đạo, cấp hàm từ trung ương đến địa phương cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Không kể cấp trưởng, cả nước hiện có 81.492 người giữ chức phó phòng đến thứ trưởng (chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện). Tính ra, cứ 5 CBCC thì có một lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, thậm chí có cơ quan 100% là cán bộ lãnh đạo.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình biên chế cũng cho thấy, có đến 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các cục, vụ trực thuộc. Tuy vậy, theo đánh giá thì tuy đội ngũ đông nhưng không mạnh, vừa thiếu, vừa thừa. “Một bộ phận CBCCVC năng lực hạn chế, suy thoái phẩm chất, đạo đức, tham nhũng, cửa quyền, thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ, không đáp ứng được yêu cầu, nhưng chưa có biện pháp đủ mạnh để đưa ra khỏi hệ thống chính trị”.
Cần bộ máy gọn mà đủ
Thực tế cho thấy cách cắt giảm cơ học như lâu nay không hiệu quả. Bên cạnh tình trạng nể nang, e dè, né tránh thì quá trình tinh giản bộ máy vừa qua rất ít sàng lọc, thu hút người tài. Vì vậy, để bộ máy hành chính công gọn mà đủ, đội ngũ CBCC và các tổ chức chính trị - xã hội không nhiều mà tinh, theo ý kiến của những người có kinh nghiệm trong công tác cán bộ, cần các giải pháp sau:
Hội nghị Trung ương 7 đang diễn ra tại Hà Nội sẽ bàn và cho ý kiến về công tác cán bộ. Ảnh internet
Trước hết, phải đổi mới nhận thức về bản chất và mục đích của việc tinh giản biên chế. Theo đó, mục tiêu của tinh giản biên chế không đơn thuần là giảm về số lượng CBCC, giảm chi phí hành chính, giảm ngân sách nhà nước mà là làm cho cơ cấu, số lượng, chất lượng, nhất là chất lượng chuyên môn, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của CBCC ngày một nâng cao hơn.
Đổi mới công tác đánh giá CBCC đảm bảo vừa đúng, vừa khách quan, công khai, công bằng về kết quả thực thi nhiệm vụ, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang. Trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nhất là cán bộ giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý, nhất thiết phải có quy định rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, phẩm chất, năng lực của người đứng đầu. Đối với các cán bộ do bầu cử lên phải trình bày chương trình hành động và bảo vệ được quan điểm, tư tưởng của mình trước cử tri hoặc tập thể có thẩm quyền. Đối với các chức danh do bổ nhiệm, nhất thiết phải thông qua thi tuyển cạnh tranh công khai, minh bạch.
Áp dụng cơ chế khoán kinh phí hành chính, khoán biên chế, khoán số lãnh đạo cấp phó đơn vị trực thuộc, khoán tổ chức cho các địa phương tự chủ, quyết định cụ thể, phù hợp với yêu cầu quản lý đặc thù của địa phương, đơn vị mình.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, người giữ chức vụ chủ chốt do HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Từ thí điểm bước đầu về “nhất thể hóa” cán bộ lãnh đạo trong những năm qua, cần tổng kết rút bài học để chỉ đạo nhân rộng, tiến tới có lộ trình áp dụng cho toàn quốc.
Sắp xếp hoàn thiện bộ máy và tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và con người. Vì vậy, để thực hiện thành công cần quyết tâm và trách nhiệm cao, sự khách quan, công tâm và khoa học của đội ngũ lãnh đạo, CBCC từ trên xuống dưới.