Tính nhân văn cao cả của học thuyết Các Mác

Một trong những giá trị đặc trưng tạo nên sức sống trường tồn của học thuyết Mác chính là ở tinh thần nhân văn cao cả, tất cả vì sự nghiệp giải phóng con người thoát khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, bảo vệ những quyền cơ bản của con người, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho con người.

Kỷ niệm 204 năm Ngày sinh Các Mác (5-5-1818 / 5-5-2022)

Từ sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội không ngớt xuyên tạc, công kích học thuyết Mác. Sở dĩ các loại kẻ thù vào hùa với nhau chống đối rất quyết liệt học thuyết mang tính cách mạng và khoa học do Các Mác cùng với Ph.Ăngghen xây dựng nên bởi học thuyết đã công khai rõ mục đích chính trị cao cả của giai cấp vô sản thế giới là đấu tranh nhằm “xóa bỏ chế độ tư hữu” (1) . Học thuyết Mác cũng đã vạch ra con đường, biện pháp đấu tranh cách mạng, vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với bộ tham mưu chiến đấu của mình là Đảng Cộng sản lãnh đạo đấu tranh nhằm xóa bỏ chế độ áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, áp bức con người, hướng tới mục đích nhân văn cao cả vì một xã hội trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (2) .

Tính nhân văn cao cả của học thuyết Các Mác

Các Mác. Ảnh tư liệu

Nhìn lại lịch sử các học thuyết tư tưởng của nhân loại từ trước tới nay để thấy rằng, chỉ có học thuyết Mác sử dụng phương pháp tiếp cận vấn đề con người trên quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử, phân tích làm rõ bản chất con người được biểu hiện trong cả 3 bộ phận hợp thành học thuyết Mác. Về kinh tế chính trị, học thuyết tập trung nghiên cứu giải phẫu xã hội đã làm tha hóa con người, gây bao thảm cảnh cho con người và vạch rõ quy luật tất yếu diệt vong của xã hội đó. Về chủ nghĩa xã hội, học thuyết đề cập những điều kiện và bản chất của sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại khỏi ách áp bức, bất công do chế độ tư bản chủ nghĩa gây ra. Trên lĩnh vực triết học, học thuyết phân tích về quy luật nhận thức thế giới, xã hội và con người; xác định mục đích cải tạo thế giới vì lợi ích của con người. Đó là 3 bộ phận hợp thành học thuyết cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác, hàm chứa tính nhân văn cao cả và tính hiện thực cách mạng.

Trong học thuyết Mác, tiền đề xuất phát không phải là con người trừu tượng, con người sinh học thuần túy, con người “xã hội” trống rỗng; hay chủ nghĩa nhân đạo kiểu tôn giáo, chủ nghĩa nhân bản của Feuerbach, mà là con người hiện thực. Các Mác nêu rõ: “... Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” (3) .

Có những quan điểm phê phán học thuyết Mác chỉ nhấn mạnh đến “con người-giai cấp”, bỏ qua “con người tộc loại”. Nhưng chính Mác và Ăngghen đã nói rõ quan hệ giai cấp không phải là quan hệ vốn có từ khi hình thành cộng đồng loài người. Quan hệ đó chỉ xuất hiện trong những điều kiện nhất định của nền sản xuất vật chất xã hội và sẽ mất đi khi các điều kiện này không còn nữa. Vì thế, học thuyết Mác nghiên cứu về con người và sự nghiệp giải phóng con người không phải ở bất kỳ thời đại nào, mà được quy tụ trong thời đại phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp với chủ thể là những con người-giai cấp. Bản chất giai cấp là một phạm trù lịch sử. Học thuyết Mác thể hiện triệt để tính cách mạng trong mục đích xóa bỏ sự phân chia giai cấp mà nguyên nhân cốt yếu do chế độ tư hữu gây ra. Đây cũng chính là căn nguyên làm tha hóa bản chất tộc loại của con người. Trong thời đại này luôn tồn tại một quy luật xã hội: Có áp bức, bóc lột thì có đấu tranh nhằm xóa bỏ sự áp bức, bóc lột con người. Cho nên, học thuyết Mác đã chứng minh mục đích đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản là vì sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Mác khẳng định: Hãy xóa bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo.

Như vậy, học thuyết Mác đã phát triển tư tưởng nhân đạo của con người lên trình độ mới về chất. Đó là một học thuyết hàm chứa chủ nghĩa nhân văn cộng sản vì con người, do con người, là tiếng nói bênh vực quần chúng lao động bị áp bức, bóc lột trong chế độ xã hội cũ, hướng tới giải phóng triệt để con người khỏi mọi sự áp bức, bất công. Vì thế có thể khẳng định, học thuyết Mác là một học thuyết mang tinh thần nhân văn cao cả, có sức sống trường tồn, đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho con người đi đến tự do, hạnh phúc.

Thực tiễn lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, để có được quyền tự do cá nhân và để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống giai cấp áp bức, bóc lột thì tất yếu phải trải qua một quá trình đấu tranh rất quyết liệt, lâu dài, bền bỉ với nhiều chiến lược, sách lược của các giai cấp, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay trên thế giới vẫn đang diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc gay go, phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường. Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin và khẳng định tinh thần nhân văn cao cả của học thuyết Mác có ý nghĩa rất quan trọng và cấp thiết trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng-lý luận của giai cấp vô sản trên toàn thế giới nói chung và của Đảng ta nói riêng trong tình hình hiện nay.

-----------

(1); (2) Mác-Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.616; tr.628

(3) Mác-Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.11

Theo Nguyễn Đức Thắng/QDND

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.