Tổ công tác của Thủ tướng bắt tay vào việc

Sau khi được thành lập, Tổ công tác của Thủ tướng đã bắt tay vào làm việc với kế hoạch kiểm tra tại hai Bộ kinh tế tổng hợp trong hai ngày 25 và 26/8.

to cong tac cua thu tuong bat tay vao viec

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP

Ngày 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng. Hai Tổ phó là hai Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà và Nguyễn Cao Lục.

Ngay sau khi Tổ công tác được thành lập, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, kiểm tra tại các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính. Trong hai ngày 25-26/8/2016, Đoàn sẽ kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm đến ngày 21/8/2016 và tình hình cập nhật kết quả thực hiện nhiệm vụ lên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi liên thông từ Văn phòng Chính phủ đến các bộ, cơ quan, địa phương.

Đây là hoạt động đang hết sức được trông đợi trong bối cảnh hiện nay, khi kinh nghiệm thực tiễn cho thấy khâu thực thi có vai trò quyết định nhất nhưng lại cũng là khâu yếu nhất trong hệ thống vận hành thể chế ở nước ta.

Trong ngày hôm qua (23/8), dư luận đã rất đồng tình khi cuối cùng, Trưởng Công an huyện Bình Chánh, TPHCM đã phải nhận hình thức kỷ luật cách chức vì những sai phạm trong vụ “Cà phê Xin Chào”. Đồng thời, hai phó đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế và chức vụ Công an huyện Bình Chánh cũng bị kỷ luật, trong đó một vị bị cách chức. Trước đó, hai cán bộ kiểm sát cũng bị cách chức.

Đây là một ví dụ mới nhất cho thấy, tinh thần hành động quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng đã được bắt đầu quán triệt, thấm nhuần và chuyển hóa thành những hành động cụ thể của các cấp chính quyền, những người vi phạm đã phải chịu trách nhiệm cụ thể.

Xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động là chủ trương nhất quán của Chính phủ, của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng để thực thi điều đó, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu nói phải đi đôi với làm.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 8, Thủ tướng đã thẳng thắn đề cập tới tình trạng yếu kém trong việc thực thi các chủ trương, chính sách. “Có ý kiến cho rằng con đường dài nhất Việt Nam là từ lời nói đến hành động”, Thủ tướng nói.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng nhắc lại hàng loạt vấn đề đã được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm, quyết liệt chỉ đạo: “Vấn đề an toàn thực phẩm cơ chế đến đâu, thực hiện đến đâu thì phải kiểm tra. Hay việc thực hiện chỉ đạo dừng khai thác rừng tự nhiên như thế nào, vụ chặt gỗ rừng pơ mu ở Quảng Nam đã khởi tố được cá nhân nào chưa? Hay tòa nhà 8B Lê Trực Hà Nội xử lý đến đâu, tại sao? Không lẽ giữa Thủ đô như vậy, hai nhiệm kỳ Chính phủ xử lý không được?”

“Ai là người theo dõi vấn đề này, không thể nói rồi cho qua. Nói không làm thì sao người dân tin được”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu thành lập ngay một tổ công tác để kiểm tra xem các bộ ngành, địa phương thực hiện đến đâu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Có thể thấy trách nhiệm lớn của Tổ công tác, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ được giao. Tất nhiên, cần nhiều công cụ, giải pháp khác để những chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, của Thủ tướng thực thi nghiêm túc, nhưng người dân kỳ vọng Tổ công tác sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong vấn đề này, chấm dứt tình trạng “nói không đi đôi với làm” như yêu cầu của Thủ tướng.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.