Những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền những hình ảnh ghi lại cảnh nhóm học sinh (HS) lớp 7 một trường THCS ở tỉnh Tuyên Quang có những hành động, lời nói thiếu giáo dục, khó chấp nhận đối với cô giáo của mình.
Nhóm học sinh có những hành động, lời nói vô lễ, thiếu giáo dục với cô giáo. Ảnh cắt từ clip.
Trong không gian của lớp học, nhóm HS liên tục nhét rác vào cặp sách của cô giáo, dồn cô vào góc lớp và đe dọa, buông những lời xúc phạm. Có em cầm trên tay gậy gỗ, uy hiếp tinh thần; thậm chí ném dép vào mặt cô giáo. Xung quanh, những HS khác hò reo cổ vũ, quay video clip.
Sau phút chống cự, phản kháng ban đầu, nữ giáo viên dần tỏ ra bất lực trước hành vi thiếu giáo dục của HS. Cô giáo sau đó đã không chống cự mà chỉ có thể đưa điện thoại lên như muốn ghi lại những hành động này.
Những hình ảnh này khi lan truyền đã tạo nên một làn sóng bức xúc, phẫn nộ từ cộng đồng xã hội. Nhà trường, chính quyền địa phương giải thích rằng, các em có những hành xử như vậy là do thời gian trước đó, nữ giáo viên đã có lỗi khi ứng xử chưa đúng mực với HS, bị nhà trường xử lý kỷ luật vì hành vi của mình. Điều này khiến dư luận càng bức xúc và cho rằng, nhà trường và chính quyền đang hướng dư luận vào lỗi sai của cô mà quên đi tính chất nghiêm trọng của sự việc.
“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp bao đời nay của người Việt.
Có thể, cô giáo đã ứng xử không đúng mực, thiếu kỹ năng sư phạm, nhưng vi phạm của cô đã bị xử lý trong khuôn khổ nội quy của nhà trường, còn thời điểm xảy ra sự việc, cô đang là giáo viên đứng lớp với đầy đủ quyền hạn, chức trách được giao phó. Việc HS có thái độ hỗn láo, hành động uy hiếp, đe dọa thể chất và tinh thần giáo viên là điều không gì có thể biện minh được.
HS hư không phải là “sản phẩm” giáo dục của một mình giáo viên mà là sản phẩm của gia đình, nhà trường và xã hội. Những người làm quản lý, giáo dục và bản thân cha mẹ các em đều phải nhìn nhận vấn đề ở góc độ là một sự việc nghiêm trọng; là sự nghiêm túc thừa nhận trách nhiệm khi chưa làm tròn vai trò của mình.
Giáo viên bị bạo hành trở thành nạn nhân trước mắt, nhưng những HS sẽ trở thành nạn nhân lâu dài, bởi những đứa trẻ có thái độ, hành vi như vậy rất dễ hình thành thói quen coi thường nhân phẩm của người khác, nghiêm trọng hơn là coi thường kỷ cương, vi phạm pháp luật.
Cần giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách cho học trò từ những việc làm nhỏ nhất. Trong ảnh: Góc "Việc tử tế" của Trường Tiểu học Thạch Đài (Thạch Hà - Hà Tĩnh) là nơi để các em học sinh chia sẻ những việc làm tốt hằng ngày.
Trước khi câu chuyện này dậy sóng dư luận thì trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng từng xuất hiện nhiều thông tin, hình ảnh các vụ việc như: thầy cô giáo cư xử thiếu chuẩn mực với học trò; HS bạo lực bạn; phụ huynh xúc phạm thể chất, tinh thần giáo viên... Đó thực sự là những câu chuyện khiến chúng ta không khỏi đau lòng, xót xa.
Môi trường sư phạm vốn là một môi trường của văn hóa, của sự tôn nghiêm, kính trọng. Bạo lực trong học đường, dù là với đối tượng nào đi chăng nữa cũng cần phải đấu tranh loại bỏ để đảm bảo một môi trường học tập văn minh, hướng thiện cho thế hệ tương lai.