Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam theo phương châm độc lập, tự chủ và tăng cường quan hệ với các nước, trong đó có Trung Quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2015 (Ảnh: Hữu Nghị)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ngay thời điểm đầu năm 2017 khẳng định rõ Việt Nam mong muốn đưa quan hệ với Trung Quốc thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, đảm bảo không chỉ lợi ích của hai nước mà còn đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực
Phó Thủ tướng cho rằng, chuyến thăm này cũng sẽ mở ra một năm sẽ có nhiều chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai bên.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, năm 2017 Việt Nam sẽ là chủ nhà của Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Do đó, Việt Nam sẽ đón tiếp lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đến dự hội nghị. Trong các chuyến thăm làm việc trước đây với phía Trung Quốc, lãnh đạo Việt Nam đã gửi lời mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự APEC 2017 tại Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 4/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhân chuyến thăm này, hai bên đã ra Thông cáo chung, khẳng định việc trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, khẳng định tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”.
Trong Thông cáo chung, hai bên cũng nhấn mạnh cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.