Hiện nhiều đại lý đã không nhận cọc đối với mẫu bán tải Toyota Hilux. Số khác vẫn nhận cọc và thời gian giao xe báo cho khách đến đầu 2023.
Tính đến hết tháng 5, doanh số lũy kế của Toyota Hilux là 10 chiếc, trong đó các tháng 2, 4, 5 lượng bán bằng 0. Những chiếc Hilux đã bán ra trong 2022 đều sản xuất năm 2021 và động cơ với chuẩn khí thải Euro4.
Đại diện Toyota Việt Nam cho biết, nguồn cung nhiên liệu dầu diesel phù hợp cho động cơ đạt chuẩn khí thải Euro5 còn hạn chế (đặc biệt các tỉnh ngoài Hà Nội và TP HCM), có thể gây bất tiện cho khách hàng sử dụng xe Hilux. Ngoài ra, nếu chủ xe sử dụng không đúng loại nhiên liệu đạt tiêu chuẩn Euro5 có nguy cơ gây ra các vấn đề về kỹ thuật đối với động cơ. Vì thế hãng quyết định tạm dừng nhập khẩu mẫu xe Hilux từ ngày 01/01/2022.
Hilux chuẩn khí thải Euro4 lăn bánh tại Việt Nam. Ảnh: TMV
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nguồn cung dầu diesel mức 5 (DO-V) hiện có bán tại hơn 1.100 cửa hàng xăng, dầu tại các tỉnh, thành trên toàn quốc. Tức là mỗi tỉnh có khoảng 17 cửa hàng, là một con số khiêm tốn. Nếu so với 17.000 trạm nhiên liệu trên cả nước, thì mới chỉ 6,5% trong số này có diesel đạt chuẩn mức 5.
Trong phân khúc xe bán tải, hiện có Mitsubishi Triton , Nissan Navara , Mazda BT-50 đã bán ra các phiên bản với động cơ chuẩn Euro5.
Ford Ranger hiện bán nốt các bản Euro4 còn tồn và thế hệ mới với chuẩn khí thải cao hơn dự kiến ra mắt vào tháng 8 tới. Cuối tháng 7 tới là thời điểm Isuzu ra mắt D-Max 2022 với động cơ Euro5.
Tiêu chuẩn khí thải Mức 5 là tiêu chuẩn về phép thử và giới hạn chất gây ô nhiễm có trong khí thải, tương ứng với Mức Euro5 được quy định trong quy định kỹ thuật về khí thải xe cơ giới của Ủy ban kinh tế châu Âu, hoặc trong chỉ thị của Liên minh Châu Âu áp dụng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Từ 2022 trở đi, các loại ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra tại Việt Nam phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải Mức 5 (tương ứng Euro5) theo Quyết định số 49/2011 của Thủ tướng Chính phủ.