Đại diện các nhà trường ký cam kết không dạy thêm ngày Chủ nhật tại buổi lễ phát động do UBND thành phố Hà Tĩnh tổ chức. Ảnh Dương Chiến.
Ngày 13/11, UBND thành phố Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động “Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm”. Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo thành phố, các ban, ngành, đông đảo giáo viên, học sinh trên địa bàn đã cho thấy sự quan tâm của các cấp, ngành đối với vấn đề khá “nóng” này.
Lễ phát động được tổ chức đã tác động mạnh mẽ đến dư luận không chỉ trên địa bàn thành phố. Phần lớn đều cho rằng, đó là một chủ trương đúng đắn và hết sức nhân văn, góp phần hiệu quả vào việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Trẻ em cần được tạo điều kiện để phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.
Thực tế thời gian gần đây cho thấy, xuất phát từ chương trình học quá nặng, cùng với sự kỳ vọng của phụ huynh đối với con em, tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Hà Tĩnh và một số địa phương diễn ra khá tràn lan. Ngoài các buổi học chính khóa, học thêm ở trường, học sinh các cấp học còn phải tham gia nhiều lớp học thêm tại trung tâm, nhà giáo viên vào buổi tối các ngày trong tuần và ngày thứ Bảy, Chủ nhật.
Phần lớn thời gian của học sinh dành cho việc lên lớp, giải quyết một khối lượng bài tập ở nhà “khổng lồ” mà không có thời gian vui chơi, thư giãn và kết nối với người thân, gia đình. Bố mẹ đi làm có ngày cuối tuần để nghỉ ngơi, nhưng những đứa trẻ lại gần như không có thời gian tái tạo sức lực. Trẻ đang mất dần tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên.
Có phụ huynh chia sẻ: không khỏi xót xa khi nghe con kể “đến tiết hai, tiết ba mà con và các bạn ngồi trong lớp vẫn còn ngáp dài vì thèm ngủ”. Cũng có em chia sẻ: “Từ ngày khai giảng đến nay, con chưa được về quê thăm ông bà ngoại” - trong khi nhà ông bà cũng chỉ cách thành phố khoảng 10 km.
Không gian vui chơi thư giãn dành cho học sinh tại Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh). Ảnh Thu Hà.
Với sự nhìn nhận đúng đắn, chủ trương “Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm” của lãnh đạo TP Hà Tĩnh thực sự là chủ trương nhân văn, hợp tình, hợp lý. Bởi, các em đang ở độ tuổi phát triển thể chất, nhân cách, trí tuệ, rất cần một kế hoạch học tập, sinh hoạt đảm bảo hài hòa, khoa học, một điều kiện để phát triển toàn diện. Điều này giúp các em giảm áp lực, căng thẳng trong học tập; có cơ hội để nghỉ ngơi, vui chơi, hoặc tham gia các hoạt động TDTT, giải trí; hướng tới một môi trường giáo dục lành mạnh, hạnh phúc...
Từ việc thay đổi nhỏ của “Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm”, hy vọng sẽ tạo tiền đề quan trọng để từng bước điều chỉnh giáo dục hiệu quả theo hướng phát triển hài hòa giữa trí tuệ, thể chất, tinh thần, kỹ năng sống... nhằm giúp các em học sinh có hành trang tốt nhất cho cuộc sống tương lai.