“Tấm áo" có nhiều "mảnh vá"…
Có thể ví không ngoa rằng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của hệ thống TTTCS hiện nay như một tấm áo có rất nhiều mảnh vá. Được đầu tư, hình thành từ rất nhiều nguồn kinh phí như: chương trình mục tiêu của trung ương; các nhà tài trợ hay lồng ghép từ các dự án đầu tư khác trên địa bàn. Chính từ việc được sinh ra từ rất nhiều nguồn và thiếu sự quản lý thống nhất về chất lượng nên phần lớn các TTTCS sau khi đưa vào hoạt động chỉ được một thời gian ngắn là phát sinh hư hỏng. Thậm chí có những TTTCS như ở xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn), sau khi nhận bàn giao xong là hỏng và từ năm 2003 đến nay, trạm ngừng hoạt động hoàn toàn.
Trang thiết bị để không ở Trạm truyền thanh Gia Hanh (Can Lộc) |
TTTCS xã Thạch Đỉnh (Thạch Hà) hình thành từ năm 2000 và đến nay, toàn bộ hệ thống đã được đầu tư 3 lần từ nguồn kinh phí của các tổ chức trung ương và dự án triển khai trên địa bàn; song dù được đầu tư nhiều, trạm cũng chỉ hoạt động hết sức cầm chừng vì thiết bị thường xuyên hư hỏng.
Trong thực tế, số TTTCS bị hư hỏng lớn hơn nhiều. Đơn cử, huyện Vũ Quang có 10/12 xã, thị trấn có TTTCS thì 8/10 trạm hư hỏng hoàn toàn, toàn huyện chỉ có 2 trạm hoạt động nhưng thiếu công suất. Con số này ở Can Lộc là 15/23, Kỳ Anh 21/33, Thạch Hà 18/31, Cẩm Xuyên 18/27... |
Thiết bị kém chất lượng do thiếu sự kiểm định chặt chẽ, việc thi công, xây dựng, lắp đặt chưa tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật cộng với thiên tai khắc nghiệt như sét, bão, lũ, không chỉ làm tê liệt hệ thống máy phát mà hệ thống truyền dẫn như dây, loa, cột cũng thường xuyên bị đứt, gãy, đổ.
Sau sự cố hư hỏng, địa phương do thiếu nguồn lực và cả sự quan tâm nên việc khắc phục thường mang tính “lành làm gáo, vỡ làm môi”, còn thế nào thì dùng thế ấy. Hình ảnh những chiếc máy phát phủ đầy bụi nằm ở góc phòng làm việc hay những chiếc loa lặng câm treo mình trên những cột tre sắp gãy không phải là những hình ảnh hiếm thấy khi chúng tôi đi về những vùng sâu, vùng xa hay sau những ngày giông bão.
… và những người thợ "vụng"
Áo rách nhưng vẫn sẽ dùng được nếu qua tay người thợ lành nghề. Tuy vậy, “tấm áo rách” là các TTTCS xem ra đang ngày càng tệ hơn bởi những “đường kim, mũi chỉ” vụng về của những người thợ - đội ngũ những người được giao phụ trách quản lý, khai thác các TTTCS.
Thực tế hiện nay, đội ngũ quản lý, khai thác các TTTCS chủ yếu kiêm nghiệm, trong đó, chức danh được giao kiêm nhiệm nhiều nhất là công chức văn hóa xã và đoàn thanh niên. Rất ít người có trình độ, được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, đội ngũ này hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Tuy vậy, việc kiêm nhiệm cũng không ổn định do đội ngũ này hay thay đổi vị trí công tác. Thiếu kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ là đánh giá phổ biến nhất đối với đội ngũ này.
Những gì còn lại của một trạm truyền thanh ở huyện miền núi Hương Sơn. |
Anh Phạm Công Hoa là công chức văn hóa xã Thạch Đỉnh được giao phụ trách trạm từ năm 2000 đến nay. Trong thời gian này, anh chỉ được tập huấn về nghiệp vụ một lần duy nhất do đài cấp trên mở. Với những kiến thức ít ỏi thu nhận được nên trong quá trình vận hành, mỗi lần thiết bị hư hỏng, anh phải tự mày mò và hậu quả của những lần tự sửa không thành công là UBND xã phải trích kinh phí mua thiết bị thay thế. Ngoài đối tượng công chức kiêm nhiệm, có xã còn hợp đồng cả lao động tự do.
Ở xã Song Lộc (Can Lộc), người phụ trách trạm truyền thanh xã được UBND xã hợp đồng là một đối tượng làm nghề cho thuê loa đài, phông bạt đám cưới.
Có thể nói, với một đội ngũ được giao phụ trách hệ thống các TTTCS nhưng không am hiểu về các thiết bị truyền thanh, cộng với tâm lý làm việc kiêm nhiệm và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng nên ý thức, trách nhiệm trong bảo quản cơ sở vật chất chưa cao. Bên cạnh đó là ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu nên kể cả những thiết bị được lắp đúng quy chuẩn và được giám sát thi công chặt chẽ của cơ quan quản lý theo chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2012 lại nay cũng không tránh khỏi sự xuống cấp nhanh chóng. Điều này đã góp phần làm “tan nát” hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị các TTTCS.
Thực tế, có những TTTCS được đầu tư thiết bị khá tốt, song trong quá trình sử dụng phát sinh những sự cố kỹ thuật nhỏ nhưng không biết để khắc phục, lâu ngày dẫn đến hư hỏng cả hệ thống và trạm ngừng hoạt động. Đến lúc đó, chính quyền địa phương cũng “bó tay” vì không sửa được, thay mới thì kinh phí quá lớn và không biết lấy ở đâu.
Vĩ thanh
Thực hiện nhiều chức năng như: tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân; tiếp âm các chương trình phát thanh của đài trung ương, đài tỉnh, huyện; phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền cấp cơ sở, hệ thống TTTCS còn giữ vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân.
Xác định được giá trị to lớn của hệ thống TTTCS mang lại, thời gian qua, tỉnh ta đã trích nguồn kinh phí đáng kể đầu tư lắp đặt trạm truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn. Hàng năm, nguồn ngân sách các cấp trích chi trả thù lao cho đội ngũ phụ trách, công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị hoặc đầu tư mới, ước tính lên đến hàng tỷ đồng.
Với một khối tài sản có giá trị rất lớn, song cho đến thời điểm này, TTTCS vẫn chưa được nhìn nhận và quản lý chặt chẽ. Dẫu rằng, trên thực tế hiện có rất nhiều “chủ quản” TTTCS như: UBND cấp xã quản lý toàn diện; Sở TT-TT quản lý về tần số…; phòng văn hóa, đài TT-TH cấp huyện quản lý chuyên môn nghiệp vụ… Nhưng không hiểu vì sao cơ sở vật chất, thiết bị vẫn xuống cấp, chất lượng hoạt động chuyên môn ngày càng mai một, thả nổi?
Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng. Được biết, UBND tỉnh đã có Thông báo số 356/TB-UBND ngày 13/9/2013 giao Sở TT-TT xây dựng đề án thí điểm bố trí chức danh cán bộ không chuyên trách cho các TTTCS ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh phê duyệt. Hy vọng, đây sẽ là tín hiệu tốt lành trước tình trạng “tử bất kỳ” của hệ thống TTTCS hiện nay.