Trận đánh núi Nài qua ký ức của nữ dân quân

Trong ngôi nhà nhỏ gần cầu Phủ, TP Hà Tĩnh, câu chuyện trận chiến lịch sử núi Nài theo dòng ký ức của bà Nguyễn Thị Thiện (SN 1945) hiện về sáng rõ.

Đầu năm 1965 - ngay sau khi học xong lớp trung cấp, cô gái tuổi đôi mươi Nguyễn Thị Thiện trở về quê (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Hà; nay là phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) tham gia hoạt động tại địa phương với vai trò là cán bộ Đoàn và thư ký đội sản xuất DQTV.

Thời gian này, địch tăng cường không quân đánh phá nhiều trận địa ra-đa ở Vĩnh Linh, Quảng Bình nhằm bịt “con mắt” canh trời miền Bắc. Xác định, địch có thể đánh ra trạm ra-đa tại núi Nài nên Bộ Tổng Tư lệnh Phòng không đã xây dựng phương án tác chiến bằng cách kịp thời di chuyển hệ thống ra-đa trên núi đến nơi an toàn, nhường vị trí cũ để dựng một ra-đa giả. Cùng với đó, gấp rút tổ chức trận địa hỏa lực gồm pháo cao xạ, súng bộ binh quanh núi Nài, khu vực xã Thạch Hòa để đón đánh địch.

tran danh nui nai qua ky uc cua nu dan quan

Trận địa dưới chân Núi Nài. Ảnh tư liệu

Bà Thiện cho biết: “Chúng tôi nghe tin, có thể ngày 26/3, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom đánh phá. Từ tối ngày 25, DQTV đã vận động đưa bà con nhân dân đến nơi sơ tán; trận địa đã cài sẵn, cả thị xã nín thở từng giờ. Tôi cùng với các chị em trong tiểu đội được giao nhiệm vụ cứu thương ngay tại trận địa núi Nài”.

Từ rạng sáng 26/3, tất cả các lực lượng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Khoảng 13h ngày 26/3/1965, từ phía biển xuất hiện 26 chiếc máy bay Mỹ đủ các loại, chia thành nhiều tốp bay lên phía Tây rồi vòng lại, lao xuống điên cuồng bắn phá núi Nài và khu vực xung quanh bằng 2 đợt công kích, mỗi đợt kéo dài hơn 20 phút. Cả thị xã rung chuyển, mọi thứ đều bao phủ bởi bụi mù. Vùng núi Nài mờ mịt một màu khói đạn.

tran danh nui nai qua ky uc cua nu dan quan

Bà Nguyễn Thị Thiện chia sẻ với phóng viên Báo Hà Tĩnh về những kỷ niệm trận đánh núi Nài.

“Quên hết ác liệt, nguy hiểm quanh mình, những DQTV lần đầu vào trận như tôi chỉ thấy bừng bừng khí thế. Trận đó có sự chuẩn bị chu đáo nên không thiệt hại nhiều về người, một số khí tài hư hỏng và nhà dân bị đốt cháy. Nhưng, thành công vang dội nhất của quân dân Hà Tĩnh sau hơn 40 phút giao tranh là 9 máy bay địch bị bắn rơi, bốc cháy. Chúng tôi cùng nhau hò reo khản cổ” - bà Thiện hồi tưởng.

tran danh nui nai qua ky uc cua nu dan quan

Niềm hạnh phúc tuổi già của nữ dân quân tự vệ Nguyễn Thị Thiện

Khoảng 16h ngày hôm đó, máy bay địch tiếp tục loạt đánh thứ 2 ở thị xã Hà Tĩnh nhưng thời gian ngắn hơn. Sau thất bại thảm hại tại trận địa núi Nài, chúng tiếp tục kéo nhau vào đánh phá khu vực Đèo Ngang (Kỳ Anh). Lực lượng chiến đấu tại chỗ của ta đã chiến đấu ngoan cường, tiếp tục bắn rơi thêm 3 máy bay Mỹ, nâng tổng số máy bay Mỹ bị quân, dân Hà Tĩnh bắn rơi trong chiều ngày 26/3/1965 lên 12 chiếc.

Chiến thắng trận đầu ở núi Nài vào ngày 26/3/1965 đã đi vào ký ức của quân và dân Hà Tĩnh như những chiến công hiển hách nhất. Đối với nữ dân quân Nguyễn Thị Thiện, sự gan dạ, dũng cảm của bà trong trận đầu và những trận đánh tiếp theo ở núi Nài vào các ngày 31/3, 8/4, 24/4 năm đó đã được ghi nhận. Bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng ở độ tuổi 20 ngay khi trận đánh ngày 24/4 ở núi Nài kết thúc.

Đó là bước khởi đầu đáng nhớ tiếp thêm sức mạnh, sự gan dạ và tự tin cho bà trong nhiều trận đánh suốt từ thời kỳ ác liệt 1965-1972. Đồng thời, giúp bà trưởng thành từ vị trí DQTV đến vị trí Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã sau này.

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.