Sáng 11/10, Sở Tư pháp Hà Tĩnh tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm cho hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các phòng, trung tâm thuộc Sở Tư pháp; công chức, viên chức đang công tác tại văn phòng đăng ký đất đai, các tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức tín dụng, phòng pư pháp và phòng TN&MT cấp huyện.
Tại hội nghị, đại biểu đã được nghe bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) trao đổi một số nội dung của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm, các văn bản pháp luật liên quan, giải đáp những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm.
Hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm có vai trò rất quan trọng trong việc công khai hoá các giao dịch bảo đảm, giúp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tìm hiểu thông tin cần thiết về tình trạng pháp lý của tài sản, từ đó giảm thiểu rủi ro, hạn chế phát sinh tranh chấp khi thực hiện các giao dịch dân sự và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân, doanh nghiệp.
Xuất phát từ vai trò quan trọng đó, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan đã quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao tính khả thi của các quy định pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, khơi thông các chuỗi cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Tại hội nghị, đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận về những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hồ sơ, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất như thay đổi bên nhận bảo đảm, bên yêu cầu đăng ký bảo đảm; việc xóa, hủy đăng ký biện pháp bảo đảm khi có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền; tài sản trên đất đang bị xử phạt vi phạm hành chính…
Phát biểu tại buổi tập huấn, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho các cá nhân, tổ chức có liên quan; tiếp tục tổ chức, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm và các văn bản pháp luật có liên quan.
Tuyên truyền, hướng dẫn cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, xác định công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và vận hành hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương, phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyên môn, nghiệp vụ, về ứng dụng công nghệ thông tin…