Hà Nội nhiều năm liền đứng đầu cả nước về mức chi phí đắt đỏ. Vì vậy, nhiều người luôn băn khoăn đặt câu hỏi "chi tiêu ở Hà Nội bao nhiêu là đủ?".
Gần đây, trên một số diễn đàn, cư dân mạng đã bàn luận sôi nổi về mức chi tiêu ở Hà Nội. Nhiều người làm nội trợ đã chia sẻ các chi phí trong một tháng của gia đình từ 2-5 người. Có rất nhiều con số được đưa ra từ vài chục đến vài trăm triệu đồng… Con số khiêm tốn cũng dao động từ 12 đến 15 triệu đồng.
Phóng viên Dân trí đã thực hiện một cuộc khảo sát với chủ đề "Ở Hà Nội 10 triệu đồng có đủ sống" và nhận về hàng trăm bình luận, chia sẻ.
Nhiều ý kiến khẳng định, chỉ với 10 triệu đồng một gia đình không thể sống được ở Hà Nội, bởi đây là thành phố nhiều năm đứng đầu cả nước về mức sống đắt đỏ từ ăn uống, giáo dục, các dịch vụ y tế, vui chơi, giải trí…
Ở chiều ngược lại, một số ít trường hợp khẳng định, với 10 triệu đồng, một gia đình có thể sống ở Hà Nội nhưng với điều kiện đã có nhà ở, nếu không có nhà thì mức sống khá chật vật.
Có nhà, sống đơn giản chỉ 10 triệu đồng là đủ
Chị Phạm Nga ở khu đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, gia đình chị có 4 người gồm 2 vợ chồng, 2 con nhỏ, đã có nhà riêng, một tháng chỉ tiêu khoảng 10 triệu đồng. Con lớn của chị Nga học trường công và không đi học thêm, con thứ hai 20 tháng tuổi đang ở nhà cùng mẹ.
Chị Nga liệt kê chi tiêu của gia đình trong một tháng: Tiền ăn khoảng 4 triệu đồng, tiền học của con lớn 1,5 triệu đồng; điện nước 1 triệu đồng (chia trung bình cả năm), xăng xe 300.000-400.000 đồng, mạng Internet 200.000 đồng…
Theo chị Nga, bé lớn đi học gần, chồng đi làm cách nhà hơn 1km, xe dùng chủ yếu để chị Nga đi chợ… Vì vậy, một tháng họ tiêu tốn không nhiều cho tiền xăng. Các việc hiếu hỉ mấy năm nay gần như rất ít vì bạn bè chị Nga đã cưới hết, bố mẹ hai bên đều sống gần vợ chồng chị và có thu nhập nên cả hai chưa cần đỡ đần, vun vén gì nhiều.
Về ăn uống, chị Nga ưu tiên mua thực phẩm theo mùa, con nhỏ của chị Nga ngoài các bữa cơm ăn cùng gia đình, một ngày chỉ ăn dặm thêm hộp sữa tươi hoặc hộp sữa chua. Đồ dùng gia đình như mắm, muối, bột giặt, kem đánh răng, chị thường mua theo chương trình khuyến mại hay trên các sàn thương mại điện tử nên tiết kiệm được rất nhiều.
Chị Nga cho biết, thu nhập của vợ chồng chị Nga không cố định (từ 10-40 triệu đồng/tháng) vì chị hiện ở nhà bán hàng online kết hợp chăm con nhỏ. Song dù thu nhập bao nhiêu thì chị cũng duy trì con số chi tiêu gần như cố định chỉ khoảng 10 triệu đồng một tháng.
Theo chị Nga, vợ chồng chị không gặp áp lực về nợ nần, việc chỉ tiêu khoảng 10 triệu đồng là do họ lựa chọn lối sống đơn giản.
"Cuối tuần chúng tôi thường chỉ đi về thăm ông bà nội ngoại hay đi chơi gần. Chồng tôi không thích đi ăn bên ngoài nên cả nhà thường chỉ nấu ăn ở nhà hoặc thi thoảng mua đồ về nhà ăn.
Anh ấy cũng có nhiều bạn bè nhưng cả nhóm thường sang nhà ngồi chơi uống nước hoặc rủ nhau đi uống trà đá, ít khi ngồi ở quán cà phê. Thời gian rảnh, anh cùng bạn bè đi câu cá chứ ít khi đi nhậu. Tôi thấy cuộc sống như vậy đơn giản nhưng lại không buồn tẻ và cả gia đình hài lòng với mức sống hiện tại", chị Nga nói.
Chị Nguyễn Thu thì cho hay, mức sống 9-10 triệu đồng chỉ phù hợp cho các gia đình sống ở ngoại thành Hà Nội.
"Nhà tôi ở ngoại thành, có 3 con nhỏ (2 tuổi, 6 tuổi và 9 tuổi), chồng đi làm xa, cả tháng ở nhà khoảng 6 ngày. Hai con lớn đều học trường công và không đi học thêm, kể cả môn tiếng Anh vì tôi tự dạy con ở nhà", chị Thu chia sẻ.
Trong trường hợp phải chi trả tiền nhà, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ có 10 triệu đồng thì gia đình 3 người phải rất tằn tiện.
Chủ nhân tài khoản Realestat chia sẻ, chi tiêu chỉ 10 triệu đồng/tháng bao gồm cả tiền nhà sẽ khá eo hẹp cho gia đình 3 người và có thể dẫn đến thiếu hụt cho các nhu cầu thiết yếu như giáo dục, y tế.
Tuy nhiên, mức chi tiêu này có thể thực hiện được nếu gia đình đó có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm tối đa cho các khoản chi phí sinh hoạt.
Cụ thể, về vấn đề nhà ở: Nên tìm phòng trọ giá rẻ ở khu vực xa trung tâm hoặc các quận/huyện lân cận; tham khảo các hội nhóm chia sẻ nhà trọ uy tín trên mạng xã hội để có thêm lựa chọn; hợp tác cùng người thân, bạn bè để chia sẻ tiền nhà, giảm bớt gánh nặng chi phí.
Về ăn uống: Tự nấu ăn tại nhà thay vì ăn ngoài thường xuyên; lên kế hoạch thực đơn hàng tuần, mua nguyên liệu theo danh sách để tiết kiệm; tìm kiếm các khu chợ bình dân, cửa hàng thực phẩm giá rẻ để mua sắm; tham gia các hội nhóm nấu ăn, chia sẻ công thức, kinh nghiệm nấu ăn tiết kiệm.
Về di chuyển: Sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt hoặc xe máy thay vì taxi hoặc xe ôm công nghệ; đi bộ hoặc đi xe đạp cho những quãng đường ngắn để tiết kiệm chi phí xăng xe.
Giải trí: Tìm kiếm các hoạt động giải trí miễn phí hoặc tiết kiệm như tham quan các địa điểm du lịch miễn phí, đọc sách, xem phim tại nhà; tận dụng các chương trình khuyến mãi, ưu đãi từ các cửa hàng, trung tâm thương mại.
"Nặng gánh" tiền ăn, tiền học
Ngoài những ý kiến kể trên, gần như toàn bộ các chia sẻ trong bài khảo sát đều khẳng định, 10 triệu đồng là không đủ chi tiêu cho một gia đình ở Hà Nội.
Theo nhiều gia đình, riêng tiền ăn cho cả nhà, tiền học cho các con một tháng đã ở mức gần 10 triệu đồng. Đây là hai khoản tiêu tốn nhất trong bảng chi phí sinh hoạt của gia đình họ.
Người có tài khoản Linh Tuke cho hay, nếu không phải thuê nhà, đồ ăn được ông bà nội ngoại cho thì tiêu 10 triệu đồng một tháng là quá dư dả. Tuy nhiên, nếu không đủ 2 yếu tố trên thì 10 triệu không là gì.
Chị Hoàng Hoa (ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, gia đình có 5 người (2 vợ chồng, 3 con nhỏ), mỗi tháng chi tiêu hết 15-18 triệu đồng/tháng. Mức 10 triệu đồng với chị Hoa đã là con số của 7-8 năm trước, khi chị Hoa mới có 2 con.
"Ở thời điểm đó, chi tiêu như vậy tôi đã thấy cuộc sống rất vất vả. Một tháng, tiền sữa cho 2 con khoảng 700.000 đồng, tiền học 5 triệu đồng, tiền thuê nhà và điện, nước 2 triệu đồng.
Cả gia đình ăn bữa tối với chi phí 50.000 đồng (thức ăn chủ yếu là thịt, rau, đậu, lạc, thịt xay, cá bé, tép bé… Tôi đi bộ đi làm vì công ty gần nhà, đồ dùng săn hàng khuyến mại, không dùng mỹ phẩm, máy giặt, quần áo tự giặt tay….", chị Hoa nhớ lại.
Theo chị Hoa, thời gian đó, gia đình chị phải trả một khoản nợ khá lớn nên chị chỉ ưu tiên chi dùng cho các nhu cầu thiết yếu. Đến hiện tại, điều kiện kinh tế đã cải thiện hơn, chị cũng vẫn giữ thói quen chi tiêu cũ để có tiền dự phòng cho các tình huống con cái ốm đau, xây nhà cho bố mẹ ở quê, tích góp tiền mua nhà Hà Nội.
Chị Hoàng Trang chia sẻ, nhà chị ở ngoại thành Hà Nội, rau tự trồng, không phải thuê nhà nhưng tháng nào cũng phải chi 20 triệu đồng cho sinh hoạt. Nhiều bà nội trợ như chị Trang cũng bày tỏ, họ tiêu tốn nhiều nhất cho tiền ăn của cả nhà và tiền học của các con.
"Nhà tôi 3 đứa trẻ đi học trung bình hết 8 triệu đồng/tháng, chưa kể bỉm sữa bạn thứ ba khoảng 6 triệu/tháng, thêm các khoản ăn uống, mua sắm nên thấy 30 triệu một tháng vẫn thiếu", chị Ngọc Anh (quận Đống Đa) cho hay.
Có 2 con nhỏ và sắp sửa có thêm bé thứ ba, chị Bích Ngọc kể, gia đình chị sống ở ven đô, hàng tháng chi phí cố định và tiền ăn đã 17-18 triệu đồng. Nếu trong tháng phát sinh thêm ốm đau, hiếu hỉ, mua sắm thì lên tới 20 triệu đồng. May mắn ông bà nội ngoại đều vẫn trẻ và có thu nhập nên vợ chồng chị chưa phải đỡ đần gì nhiều.
Gia đình chị Thuận Thuận có 3 người, thường xuyên nhận được đồ ăn gửi từ quê nhưng chi phí một tháng bao gồm cả tiền nhà, con học trường công, điện nước cũng luôn ở mức 12-13 triệu đồng/tháng.
Nhiều ý kiến bình luận đồng tình rằng, rất khó để nói bao nhiêu thì đủ sống ở Hà Nội. Gia đình có mức thu nhập 10-15 triệu/tháng sẽ chi tiêu khác gia đình có mức thu nhập 80-100 triệu đồng/tháng. Điều quan trọng phụ thuộc vào quan điểm sống, thói quen chi tiêu.
Nên đề ra kế hoạch chi tiêu, không mua sắm theo cảm xúc, phong trào
Bàn về câu chuyện chi tiêu ở Hà Nội, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) từng phân tích , trong chi tiêu gia đình, không thể đề ra một mức cụ thể cho tất cả các trường hợp.
Mức chi tiêu mỗi gia đình sẽ khác nhau và phụ thuộc vào thu nhập của gia đình đó. Nếu thu nhập cao, đời sống của họ yêu cầu nhiều thì họ chi tiêu nhiều. Nếu thu nhập trung bình thì họ chỉ chi tiêu theo cách đủ để đảm bảo cuộc sống cơ bản.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, một người tiêu dùng thông minh sẽ luôn đề ra kế hoạch chi tiêu để kiểm soát túi tiền của mình. Nếu giữ thói quen chi tiêu ào ào, không tính toán thì sẽ không tránh khỏi tình trạng "miệng ăn núi lở".
Theo vị chuyên gia này, hiện nay có rất nhiều phần mềm quản lý chi tiêu miễn phí. Các gia đình có thể tham khảo các phần mềm này để vạch ra kế hoạch chi tiêu phù hợp với mình".
Ngoài việc lập kế hoạch chi tiêu, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng gợi ý, mỗi người nên tránh việc mua hàng theo phong trào, theo cảm xúc.
Nhiều người có thói quen mua sắm hoàn toàn thụ động và thường không thể cưỡng chế lại ham muốn khi ghé vào các cửa hàng thời trang, siêu thị hay trung tâm thương mại. Nhiều người mua những món hàng mà thậm chí cả tháng, cả năm sau họ vẫn chưa dùng tới.
Trước khi quyết định mua sắm một vật dụng gì đó nên kiểm kê lại những món đồ mình đang có và đánh giá xem món đồ kia có thực sự cần thiết hay không.