Trao "cần câu" đúng người

(Baohatinh.vn) - Mô hình hỗ trợ sinh kế của địa phương đã tạo động lực giúp anh Nguyễn Văn Đấu ở Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vượt qua thời điểm khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Sau 3 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1989, anh Nguyễn Văn Đấu (SN 1967, ở thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng) phục viên trở về quê lập gia đình với chị Dương Thị Niêm (cùng thôn) và sinh được 3 người con. Dù cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng nhờ chịu khó làm ăn, tích góp, vợ chồng anh đã xây được ngôi nhà cấp 4 và có cuộc sống khá ổn định so với nhiều người dân ở vùng thượng.

1.6.jpg
Anh Nguyễn Văn Đấu (áo đỏ) chia sẻ về quá trình nỗ lực thoát nghèo.

Tuy nhiên, biến cố bắt đầu đến với gia đình anh chị, vào năm 2021, chị Niêm phát hiện bị mắc căn bệnh ung thư cổ tử cung. Gác lại mọi công việc và dự định phát triển kinh tế gia đình, hai vợ chồng anh Đấu dắt díu nhau lặn lội khắp các bệnh viện, tìm thầy, tìm thuốc với hy vọng cứu chữa cho vợ. Cứ thế, tiền bạc, tài sản của gia đình “đội nón” ra đi theo những lần khám, chữa bệnh cho chị Niêm. Năm 2023, chị Niêm mất, gia đình anh Đấu rơi vào tình cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất.

Trong lúc chưa biết nhìn vào đâu để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học và trả nợ, anh Đấu được thôn và xã xét hỗ trợ mô hình sinh kế với gần 100 con gà giống, từ nguồn quỹ xoá đói giảm nghèo. Anh còn được được cán bộ xã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà.

“Dù mô hình hỗ trợ sinh kế có giá trị về kinh tế không lớn, nhưng sự quan tâm của địa phương đối với hoàn cảnh của gia đình thực sự là nguồn động viên lớn, là điểm tựa về vật chất và tinh thần, giúp cha con tôi vượt qua thời điểm khó khăn nhất”, anh Đấu chia sẻ.

A2.jpg
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn gà của anh Đấu phát triển tốt.

Cùng với việc áp dụng đầy đủ kiến thức đã được cán bộ chuyển giao, anh Đấu còn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu thêm kỹ thuật chăm sóc, chữa bệnh cho gà nên đã hạn chế được dịch bệnh, số con nuôi được bảo toàn 100% và phát triển nhanh. Ngoài ra, anh cũng phát huy lợi thế của gia đình là nuôi theo hình thức thả vườn, vừa tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, gà lại săn chắc và ngon nên bán được giá.

Lứa nuôi đầu tiên đến thời kỳ xuất bán, với trọng lượng bình quân mỗi con gà đạt trên 1,5 kg, giá bán khoảng 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh đã thu về gần 15 triệu đồng. Có vốn, anh Đấu tiếp tục mua gà giống thả lứa mới, đồng thời tận dụng điều kiện thuận lợi về nguồn nước, phát triển thêm đàn vịt thả vườn. Việc thực hiện nuôi gối lứa, giúp anh luôn có gà, vịt để bán.

A4.jpg
Vườn chè vừa được anh Đấu đầu tư khôi phục sau thời gian bị bỏ hoang đã bắt đầu cho thu nhập.

Chắt chiu từ số tiền thu được qua phát triển chăn nuôi, anh Đấu quyết tâm đầu tư khôi phục lại 7 sào chè nguyên liệu; trồng thêm 1 ha cây keo tràm, cải tạo 7 sào vườn và 3 sào ruộng. Sự cần cù, chăm chỉ của người cựu chiến binh trong nỗ lực cải thiện cuộc sống đã được đền đáp. Đến nay, diện tích chè đã phát triển tốt và bắt đầu khai thác, cùng với hoa lợi từ ruộng vườn, mỗi tháng gia đình anh đã có nguồn thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Đầu năm 2024, anh Đấu đã viết đơn gửi xã xin được ra khỏi danh sách hộ nghèo.

A1.jpg
Anh Đấu và lãnh đạo xã Kỳ Thượng trao đổi kỹ thuật sản xuất chè nguyên liệu.

Các mô hình sinh kế có nguồn vốn nhỏ nhưng đã tạo động lực lớn giúp các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thay đổi cuộc sống và gia đình anh Đấu là một trong số đó. Với vai trò là chi hội trưởng chi hội CCB của thôn, việc phát huy hiệu quả nguồn sinh kế để thoát nghèo của anh Đấu đã thực sự tạo sức lan tỏa sâu rộng trong hội viên và bà con địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hoan - Trưởng thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.