Không nguồn thu, vẫn phải chi hàng tỷ đồng mỗi tháng
Là người tiên phong đầu tư xây dựng mô hình trường tư thục ở Hà Tĩnh, cô Nguyễn Thị Bích Hảo (Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường Mầm non Nguyễn Du Hà Tĩnh) đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Thế nhưng, cô Hảo cho biết “chưa bao giờ trường học vắng bóng học sinh lâu như đợt nghỉ tránh dịch này”.
Cô Nguyễn Thị Bích Hảo (áo trắng) chia sẻ với phóng viên Báo Hà Tĩnh về những khó khăn nhà trường đang gặp phải trong cơn “bão dịch”.
Hơn 1.400 học sinh nghỉ học dài ngày đồng nghĩa với việc 3 cơ sở thuộc hệ thống là Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du, Trường Mầm non Quốc tế Nguyễn Du Plus và Trường Mầm non Nguyễn Du - Hồng Lĩnh không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội và chi phí duy trì hoạt động trong mấy tháng nay.
Hơn 1 tỷ đồng là chi phí hệ thống Trường Mầm non Nguyễn Du Hà Tĩnh dành cho việc trả lương, đóng BHXH, duy trì hoạt động trong những tháng nghỉ dịch. (Trong ảnh: Nhà trường phun thuốc khử khuẩn phòng học).
Cô Nguyễn Thị Bích Hảo cho biết: “Với gần 250 cán bộ, giáo viên tại 3 cơ sở, trong tháng 2/2020, nhà trường đã chi trả hơn 1 tỷ đồng tiền lương, BHXH. Ngoài ra, chi phí duy trì hoạt động như: điện, nước, internet, vệ sinh… cũng chiếm một khoản không nhỏ khiến nhà trường hết sức khó khăn”.
Với trường có bề dày lâu năm đã khó khăn thì những trường mới thành lập, khó khăn càng thêm chồng chất. Đầu tư số vốn ban đầu hơn 105 tỷ đồng và mới đi vào hoạt động chưa được hai năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến lãnh đạo Trường Mầm non quốc tế Trung Kiên như “ngồi trên lửa”.
Với 70 cán bộ, giáo viên, mỗi tháng, Trường Mầm non quốc tế Trung Kiên phải chi khoảng 400 triệu đồng dù không có bất cứ nguồn thu nào. Ảnh tư liệu
“Học sinh nghỉ học, nhà trường không có bất cứ nguồn thu nào nhưng vẫn phải chi khoảng 400 triệu đồng thanh toán lương, hỗ trợ đóng BHXH cho 70 cán bộ, giáo viên và chi phí duy trì hoạt động”, cô Hà Thị Tuyết Nhung – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Tìm hướng khắc phục khó khăn, lãnh đạo Trường Mầm non quốc tế Trung Kiên đã gửi kiến nghị lên UBND thành phố Hà Tĩnh và các đơn vị cung cấp dịch vụ xin được hỗ trợ một phần chi phí; hệ thống Trường Mầm non Nguyễn Du Hà Tĩnh đã liên hệ Liên đoàn Lao động tỉnh, BHXH tỉnh để hoàn tất hồ sơ xin chậm nộp BHXH.
Trường Mầm non Doreamon cũng chung tình cảnh khó khăn trong mùa dịch.
Cũng lâm vào tình cảnh chật vật để duy trì hoạt động trước ảnh hưởng của dịch bệnh, Trường Mầm non Doreamon (TP Hà Tĩnh) đã lên kế hoạch chỉ trả mức lương cơ bản cho cán bộ, giáo viên trong tháng 3, bởi “mức chi hơn 520 triệu đồng những tháng trước là quá sức với điều kiện khó khăn của nhà trường hiện nay” – bà Nguyễn Thị Minh Thường – thành viên Ban quản trị Trường Mầm non Doreamon chia sẻ.
Đồng hành vượt khó
Khó khăn của các trường trong mùa dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cán bộ, giáo viên. Không có việc làm, thu nhập thấp, tâm lý không khỏi xáo trộn khi các cô phải xa trường lớp, xa học trò… nhưng với lòng yêu nghề và trách nhiệm với nhà trường, các cô vẫn quyết tâm đồng hành cùng ban giám hiệu vượt khó.
Dù không được đứng lớp nhưng các cô giáo Trường Mầm non quốc tế Trung Kiên vẫn ngày ngày đến trường chăm sóc vườn rau sạch.
Dù không được lên lớp dạy học trò nhưng mấy tháng nay, cô Trần Thị Hiền (giáo viên chủ nhiệm Lớp Montessori 3-6 – Trường Mầm non quốc tế Trung Kiên) cùng các đồng nghiệp vẫn đến trường đều đặn. Mỗi ngày, cán bộ, giáo viên của trường thay nhau vệ sinh khuôn viên, lớp học, chăm sóc vườn rau sạch và thực hiện các video clip để tương tác với học sinh qua mạng internet.
Cô Hiền cho biết: “Đến trường vừa thực hiện nhiệm vụ được phân công trong thời gian nghỉ dịch nhưng cũng là để giáo viên đỡ nhớ trường lớp, nhớ học sinh. Dù thu nhập có giảm so với trước nhưng chúng tôi vẫn rất chia sẻ với nhà trường trong giai đoạn khó khăn chung này”.
Dù thu nhập giảm so với trước, bác Võ Công Canh vẫn gắn bó với công việc của mình.
Cần mẫn dọn quét từng góc sân trường, vệ sinh cửa lớp, công việc của bác Võ Công Canh (bảo vệ Trường Mầm non Tư thục Nguyễn Du) cũng không khác ngày trước là mấy. Nhưng sân trường đã lâu thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ.
Bác Canh tâm sự: “Tôi làm việc ở trường nhiều năm nay, chưa khi nào vắng bọn trẻ con lâu đến thế. Dù không có người dạy, người học nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn thành công việc hằng ngày của mình”.
Dịch bệnh là cuộc thử thách lớn đối với hệ thống các trường dân lập.
Cô Hà Thị Tuyết Nhung – Hiệu trưởng Trường Mầm non Quốc tế Trung Kiên chia sẻ: “Dù khó khăn chồng chất nhưng chúng tôi không tính đến phương án cắt giảm nhân sự bởi các cô là những người đã gắn bó với chúng tôi từ những ngày đầu thành lập. Chúng tôi hy vọng, tập thể sẽ cùng nhau chia sẻ, đồng hành để sớm được đón học sinh quay lại trường”.