Giờ thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ thông tin (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh).
Năm học 2021-2022, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh tuyển sinh 1.762 HSSV; trong đó 237 sinh viên trình độ cao đẳng, 783 học sinh trình độ trung cấp và 742 học viên trình độ ngắn hạn sơ cấp.
Nhờ đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ và đơn đặt hàng, tỷ lệ HSSV ra trường có việc làm ngày càng tăng (đạt 93%). Mức thu nhập của các em sau khi ra trường đạt trung bình 5 - 10 triệu đồng/tháng đối với trình độ trung cấp và 8 – 20 triệu đồng/tháng đối với trình độ cao đẳng.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh và Công ty TNHH Công nghệ An Việt Dũng (Hà Tĩnh) ký kết chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực (tháng 2/2023).
Theo thống kê, trong các năm 2021 và 2022, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh có 2.013/2.167 HSSV tốt nghiệp có việc làm. Trong đó, gần 800 HSSV làm việc tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; số khác đang làm việc tại Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Lilama… và một số doanh nghiệp lớn trong cả nước.
Tiến sỹ Trần Xuân Ninh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh cho biết: “Nhà trường đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để nắm bắt nhu cầu lao động, ngành nghề, đi tới ký kết thỏa thuận hợp tác, tạo điều kiện cho HSSV được trải nghiệm, thực tập nâng cao trình độ chuyên môn tại doanh nghiệp cũng như giới thiệu việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp”.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh thực tập tại Công ty TNHH Công nghệ An Việt Dũng để rèn luyện và được doanh nghiệp trả lương trong quá trình thực tập.
Sinh viên Lê Sỹ Hòa – năm thứ 3 ngành Quản trị mạng máy tính (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh) chia sẻ: “Trong thời gian học tại trường, em được nhà trường giới thiệu thực tập tại Công ty TNHH Công nghệ An Việt Dũng để nắm bắt các kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề trong môi trường làm việc năng động.
Ngoài việc học các kỹ năng làm việc hiệu quả, em còn được doanh nghiệp trả lương trong quá trình thực tập. Hy vọng sau khi tốt nghiệp em có được việc làm ổn định và có thu nhập cao ở công ty này”.
Giờ thực hành nghề cơ khí của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh
Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh có quy mô tuyển sinh 3.310 HSSV. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng 170 sinh viên; trình độ trung cấp 710 học sinh; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 2.430 học viên.
Hằng năm, nhà trường đã hợp tác, giới thiệu HSSV đến các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty TNHH LG Display Việt Nam, Công ty cổ phần Lilama 18, Công ty cổ phần Cáp treo Bà Nà... để thực tập nâng cao tay nghề.
Thông qua chương trình hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp đã giúp HSSV được rèn nghề và kỹ năng làm việc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực. Theo đó, hơn 80% HSSV nhà trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và trên 95% đối với các em học nghề: điện công nghiệp, hàn.
Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh thực tập tại Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh VinFast
Được biết, năm 2022, các trường nghề ở Hà Tĩnh gồm: Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh, Trung cấp nghề Hà Tĩnh, Trung cấp nghề Lý Tự Trọng, Cao đẳng Nguyễn Du đã ký 12 thoả thuận hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng và hỗ trợ HSSV thực hành nghề tại cơ sở sản xuất.
Từ chương trình hợp tác này đã tạo điều kiện hết sức quan trọng để bảo đảm HSSV được các doanh nghiệp tuyển dụng sau khi tốt nghiệp nghề. Theo thống kê, tỷ lệ HSSV các trường nghề trên địa bàn tỉnh có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80%; tỷ lệ HSSV được đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đã tăng từ 8% năm 2021 lên 9,5% năm 2022.
Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh làm việc với Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh về chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.
Theo ông Đặng Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để thực hiện chỉ tiêu nâng tỷ lệ HSSV trường nghề được giải quyết việc làm đạt 85% vào năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế trên cơ sở nhân rộng mô hình đào tạo nghề theo chương trình chất lượng cao được chuyển giao từ CHLB Đức, Australia, Hàn Quốc…
Đồng thời, tăng cường liên kết, phối hợp, đào tạo giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng thị trường lao động.