Trên quê hương Xô viết anh hùng

(Baohatinh.vn) - Huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) không chỉ là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, non nước hữu tình mà nơi đây còn có nhiều địa danh gắn liền với các phong trào đấu tranh cách mạng. Mỗi địa chỉ đỏ đã trở thành nơi giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay.

Bến đò Thượng Trụ - nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh tháng 3/1930 nằm giữa lòng khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Đoàn Kết (xã Thiên Lộc), cách quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Nghèn khoảng 1,5 km về hướng Đông. Trong những ngày thu lịch sử, nơi đây là địa chỉ đỏ được nhiều thế hệ tìm về để tri ân, để hiểu hơn về lịch sử và thức dậy trong lòng mình những khát vọng, trách nhiệm kiến thiết đất nước

Trên quê hương Xô viết anh hùng

Bến đò Thượng Trụ - địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay.

Cô Võ Thị Mai - Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Võ Liêm Sơn (xã Thiên Lộc) cho biết: “Chuẩn bị năm học mới, ngoài các điều kiện thiết yếu phục vụ cho công tác dạy học thì việc đưa học sinh đến đây tham quan nhằm góp phần giáo dục truyền thống quê hương, tạo động lực cho các em ra sức học tập, rèn luyện để ngày mai lập nghiệp, cống hiến đã trở thành hoạt động thường niên của nhà trường”.

Có lẽ, thời điểm này cũng là dịp mà những trang sử của quê hương Can Lộc được lật giở nhiều nhất và những địa chỉ đỏ lại rộn rịp bước chân tri ân tìm về nhất. Vào tháng 3/1930, vùng hoang vắng với những rặng bần, cỏ lau rậm rạp, ít người qua lại tại Bến đò Thượng Trụ này đã được lựa chọn là nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh. Gần 2 tháng sau khi Đảng Cộng sản

Việt Nam được thành lập (3/2/1930), Xứ ủy Trung Kỳ đã cử đồng chí Trần Hữu Thiều về Hà Tĩnh liên lạc, kết nối với các tổ chức Đảng để tiến hành hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh. Kể từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân toàn tỉnh đã đứng lên đấu tranh làm nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Trên quê hương Xô viết anh hùng

Tượng đài Xô Viết ở thị trấn Nghèn (Can Lộc).

Cùng với Bến đò Thượng Trụ, trên quê hương Can Lộc còn có các di tích gắn liền với phong trào cách mạng giai đoạn lịch sử này, như: nền huyện đường, tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh ở thị trấn Nghèn… Từ cuộc tập dượt đầu tiên ấy, tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Can Lộc đã nhất tề đứng dậy, cùng với cả tỉnh, cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám vĩ đại, đưa người dân từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước. Can Lộc là địa phương giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất trong toàn tỉnh (vào ngày 16/8/1945). Đây là một mốc son trong biên niên sử đáng tự hào của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà.

Đi qua mỗi giai đoạn lịch sử trong hành trình 78 năm đất nước giành độc lập, Can Lộc vẫn luôn để lại dấu ấn, bởi những tên người, tên đất, tên làng gắn với những chiến công oanh liệt, nhất là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Giữa mùa thu cách mạng hôm nay, câu chuyện về người dân làng Hạ Lội tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ ngày 13/8/1968 để lát đường cho đoàn xe vận chuyển xăng dầu, lương thực và đạn dược vào chiến trường miền Nam lại trở về trong ký ức và ý nghĩ của bao người.

Trên quê hương Xô viết anh hùng

Khu di tích Làng K130 trở thành niềm tự hào của thế hệ hôm nay.

Làng K130 chính là một trong những nốt nhạc hào hùng của bài ca cách mạng trên quê hương Xô viết. Đó là sự tiếp nối lịch sử, là sự phát triển của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ghi nhớ sự hy sinh to lớn của Nhân dân nơi đây, làng Hạ Lội đã được đổi tên thành Làng K130 (nay là tổ dân phố K130 - thị trấn Nghèn). Năm 2006, Làng K130 được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Sau nhiều mong đợi và kỳ vọng, tháng 7 vừa qua, người dân Can Lộc nói chung và người dân tổ dân phố K130 nói riêng đã thỏa lòng mong ước khi Khu di tích Làng K130 hoàn thành việc trùng tu tôn tạo, trở nên khang trang, xứng tầm. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân mà còn là địa chỉ đỏ cho các thế hệ con cháu mai sau tìm về, để hiểu biết hơn, tự hào hơn truyền thống cách mạng của cha ông.

Em Phạm Nguyễn Ly Băng - Phó Bí thư Chi đoàn tổ dân phố K130 chia sẻ: “Đọc lại những trang lịch sử vẻ vang của làng, nhìn lại những bức ảnh tư liệu trong nhà truyền thống, chúng em càng thấy tự hào và tự nhủ lòng sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Trong những ngày mùa thu lịch sử của quê hương, đất nước, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc với những câu chuyện huyền thoại cũng trở thành điểm hẹn, nơi trở về của muôn triệu người dân trên khắp mọi miền đất nước.

Trên quê hương Xô viết anh hùng

Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng về tinh thần bất khuất, dũng cảm, kiên cường của mảnh đất và con người Hà Tĩnh

“Năm nay, kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc nên lượng khách về với địa chỉ đỏ để tri ân rất đông. Và, những ngày tháng lịch sử này, trung bình mỗi ngày, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý khu di tích cũng tiếp đón hàng trăm lượt khách”, anh Đào Anh Tuân - Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết.

Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng về tinh thần bất khuất, dũng cảm, kiên cường của mảnh đất và con người Hà Tĩnh trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, trong cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, tinh thần thép của các lực lượng bảo đảm giao thông trên tuyến đường huyết mạch với bom đạn của kẻ thù.

Trong dòng người vô tận trở về với Đồng Lộc hôm nay có những cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa, có những cụ già tóc đã bạc, có các chị, các mẹ, những ĐVTN và rất nhiều những học sinh mang trên vai khăn quàng đỏ thắm… Tất cả đều có chung một tâm nguyện tự tay mình dâng lên nơi tưởng niệm những người đã khuất nén hương thơm, bông hoa trắng, được nghe lại nhiều câu chuyện về những con người tuổi mười tám đôi mươi đã hy sinh xương máu với khẩu hiệu: “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc”.

Trên quê hương Xô viết anh hùng

Trung bình mỗi ngày Đồng Lộc đón hàng trăm lượt khách.

78 năm trôi qua kể từ mùa thu lịch sử 1945, dưới sự chỉ lối, soi đường của Đảng, sự đồng thuận, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Can Lộc đã vươn mình, bứt phá, đạt nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực KT-XH. Trong mạch nguồn tri ân của cả nước, tỉnh nhà, của chính quyền địa phương và người dân, những địa chỉ đỏ được trùng tu, tôn tạo khang trang, xứng tầm.

Về thăm các địa chỉ đỏ trong những ngày thu lịch sử, lắng nghe những câu chuyện hào hùng, oanh liệt của những tên đất, tên người, thế hệ hôm nay càng cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh anh dũng, lòng yêu nước và ý chí cách mạng của cha ông. Đó là hành trang vô giá, tạo động lực để người dân trên quê hương cách mạng Can Lộc ý thức hơn trách nhiệm của bản thân, tích cực cống hiến để xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.