Sáng 19/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022. |
Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
6 tháng đầu năm, toàn ngành Tư pháp đã bám sát chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình KT-XH của đất nước và từng địa phương; chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm; tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Công tác xây dựng pháp luật nói chung, công tác thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nói riêng đã được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 255 VBQPPL; các địa phương ban hành 1.501 VBQPPL cấp tỉnh. Tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 236 dự thảo; các sở tư pháp thẩm định 142 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND và 2.218 dự thảo VBQPPL.
Bộ Tư pháp đã thẩm định 13 điều ước quốc tế; góp ý 52 điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế; tiếp nhận, chuyển giao và trả kết quả 3.178 yêu cầu ủy thác tư pháp; cấp 4 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài.
Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới được tổ chức thực hiện hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 274.268 cuộc tuyên truyền pháp luật cho gần 20 triệu lượt người; tổ chức 2.996 cuộc thi cho 2,5 triệu lượt người dự thi; phát miễn phí hơn 25 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL. Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quan tâm thực hiện...
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký giao dịch bảo đảm; bồi thường nhà nước tiếp tục được quan tâm. Đến nay, phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch ghi nhận đã có hơn 26,7 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh; hơn 3,9 triệu hồ sơ đăng ký khai tử; hơn 113 nghìn trường hợp nhận cha mẹ con; hơn 14 nghìn trường hợp đăng ký giám hộ; hơn 12 nghìn trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; hơn 28 nghìn trường hợp đăng ký cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc…
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến.
Các địa phương đã giải quyết 1.165 trường hợp nuôi con nuôi trong nước; các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 67 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, trong đó 39 trường hợp trẻ em từ cơ sở nuôi dưỡng và 28 trường hợp trẻ em từ gia đình.
Tập trung tiếp nhận vào Cơ sở dữ liệu 158.439 bản lý lịch tư pháp điện tử, 35.338 thông tin lý lịch tư pháp bổ sung bằng điện tử và 2.958 thông tin bổ sung bằng giấy. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã thực hiện cấp 28.259 phiếu lý lịch tư pháp; các sở tư pháp đã cấp được 424.528 phiếu lý lịch tư pháp.
Ngoài ra, các mặt công tác như: Thi hành án dân sự; công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hòa giải ở cơ sở; xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý; hợp tác quốc tế về pháp luật; thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng... đều đạt kết quả tốt.
Đại biểu tỉnh Quảng Ninh tham luận về đề án trong lĩnh vực lý lịch tư pháp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe tham luận về “Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trong lĩnh vực lý lịch tư pháp; công tác thẩm định và xây dựng VBQPPL; giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương; nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự...
Đại biểu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để đưa ra 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp chủ yếu trong thời gian tới như: Tiếp tục cụ thể hóa định hướng, chủ trương của Đảng liên quan đến các lĩnh vực tư pháp; chú trọng công tác rà soát, thẩm định, xây dựng VBQPPL; tổ chức triển khai hiệu quả Ngày Pháp luật năm 2022, phù hợp với tình hình thực tiễn ngành Tư pháp; hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp...
Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực toàn ngành Tư pháp đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị, toàn ngành cần tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật, thận trọng trong công tác thẩm định và góp ý văn bản; đặc biệt là các văn bản liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bản lĩnh, bày tỏ chính kiến trong quá trình tham gia ý kiến pháp lý khi xử lý vụ việc tồn đọng. Tập trung cao, thực hiện hiệu quả, chất lượng trong công tác đấu giá tài sản.
Chủ động triển khai, quyết liệt thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc trong việc thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ...
6 tháng đầu năm 2022, Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã thẩm định 19 dự thảo VBQPPL, góp ý 87 dự thảo văn bản của Trung ương và của tỉnh, phòng tư pháp cấp huyện đã thẩm định 29 dự thảo văn bản QPPL. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 2.069 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp với 174.654 lượt người tham dự, cấp phát 124.402 tài liệu PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn. Sở Tư pháp tiếp nhận, kiểm tra, phân loại 1.248 thông tin lý lịch tư pháp; cấp 19.755 phiếu lý lịch tư pháp (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021)... |