Sáng 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long cùng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ xác định hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm và tập trung thực hiện đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức thi hành pháp luật.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 90 quyết định quy phạm.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua 11 luật, 2 nghị quyết quy phạm; 1 nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 9 nghị quyết điều hành KT-XH.
Theo Thủ tướng Chính phủ, việc đưa các văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó khăn. Vì vậy, việc tổ chức hội nghị là cần thiết nhằm tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, phát biểu trọng tâm vào việc thực hiện yêu cầu "gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả"; trao đổi các vấn đề quan trọng, đề xuất giải pháp khả thi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai.
Nghe báo cáo về các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua
Hội nghị đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long báo cáo về tình hình tổ chức triển khai thi hành một số luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XV thông qua.
Quá trình soạn thảo, trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết, Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề đột xuất, phát sinh, vượt thẩm quyền, qua đó đảm bảo tiến độ, chất lượng. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, với nhiều chính sách mới, quan trọng. Bên cạnh công tác lập pháp, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các nghị quyết để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Công tác triển khai thi hành đã quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng; các bộ, cơ quan ngang bộ, nhất là địa phương đã chủ động chuẩn bị và khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của văn bản luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu...
Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát 6 nhóm nhiệm vụ, yêu cầu trọng tâm để triển khai thi hành có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Tại Hà Tĩnh, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật luôn được chú trọng. Đối với các luật, nghị quyết mới do Quốc hội ban hành, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện đảm bảo bài bản, chất lượng và kịp thời. Theo đó, ban hành văn bản triển khai ở tỉnh, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú.
Để việc triển khai thi hành các luật, nghị quyết mới ban hành tiếp tục được thực hiện đảm bảo chất lượng và hiệu quả, Hà Tĩnh đề nghị các cơ quan Trung ương kịp thời tham mưu ban hành kế hoạch triển khai thi hành, đồng thời tổ chức quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu; các cơ quan tham mưu ở Trung ương tổ chức biên soạn tài liệu phổ biến luật ngắn gọn, dễ hiểu và đăng tải các tài liệu PBGDPL; quan tâm hướng dẫn thi hành các nội dung, chính sách; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời cho các địa phương trong quá trình thực hiện.
Hội nghị cũng được nghe các báo cáo về: triển khai thi hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; những nội dung cơ bản và yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện Quy định số 178 - QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật;
Báo cáo về công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Đất đai; công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; một số nội dung trọng tâm của Luật Đường bộ và chuẩn bị nguồn lực cho công tác triển khai thi hành; công tác triển khai thi hành Luật Các tổ chức tín dụng; một số nội dung mới trọng tâm của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và việc chuẩn bị nguồn lực cho công tác triển khai thi hành - đề xuất, kiến nghị; một số nội dung trọng tâm của Luật Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Hội nghị cũng dành thời gian để đại biểu các tỉnh, thành tham gia thảo luận, thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế và đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện.
Phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, tổ chức và tuyên truyền pháp luật
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác lập pháp; tổ chức theo dõi và triển khai thi hành các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Đảng đoàn Quốc hội trong việc rà soát các văn bản, đảm bảo các luật, nghị quyết được thông qua đi vào cuộc sống.
Các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp "từ sớm, từ xa" với các ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc trong quá trình soạn thảo; chủ động có ý kiến đề xuất, kiến nghị đối với những vướng mắc phát sinh. Các địa phương chủ động rà soát vướng mắc cấp bách gửi Chính phủ tập hợp, nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét.
Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác và tổ chức thực hiện các luật, nghị quyết; các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực hoặc sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Tổ chức tuyên truyền, quán triệt rộng rãi, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của các luật, nghị quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật của bộ, ngành trực tiếp triển khai thi hành văn bản luật; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, phổ biến các luật, nghị quyết mới được thông qua.
Thực hiện rà soát theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật... nhất là các vấn đề phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sự linh hoạt, chủ động trong chỉ đạo, điều hành.
Đối với các địa phương, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND và UBND trong quá trình xây dựng, tổ chức thực thi và tuyên truyền pháp luật...