Một biểu tượng Premier League
Trước hết phải chúc mừng Arsene Wenger đã vươn đến cột mốc đáng nhớ này. Khi tổng thời gian làm việc của 19 HLV khác tại Premier League gộp lại cũng không bằng một mình Wenger, ta buộc phải ngả mũ cho sự bền bỉ của nhà cầm quân người Pháp.
Bóng đá là một môn giải trí đại chúng, và cũng như những biểu tượng của nền văn hóa pop, Wenger cũng đã từng có một thời kỳ rực rỡ. Trước khi nam thanh nữ tú phát cuồng với Justin Bieber, bố mẹ của họ cũng từng vật vã với giọng ca và điệu vũ của Michael Jackson.
khi Sơn Tùng MTP oanh tạc từ mặt báo đến mạng xã hội, người ta từng công kênh Đàm Vĩnh Hưng là “ông hoàng nhạc Việt”. Wenger cũng có một thời kỳ rực rỡ như thế, thậm chí hơn thế. Bởi vì ông không chỉ ở đỉnh cao của danh vọng, sự tung hô mà còn được ca ngợi như một nhà cách tân hàng đầu, là ông vua toàn năng của bóng đá đẹp. Cầu thủ của ông khi cần đá đẹp thì sẽ rất đẹp, khi cần dữ tợn cũng chả ai bằng.
Wenger hồi mới ra mắt Arsenal
Hãy xem những gì Myles Palmer viết trong quyển best-seller có tên “The Professor” (Giáo sư), phát hành năm 2001: “Một người đàn ông cao, gầy, người Pháp vừa xuất hiện đã bước ngay lên vũ đài vinh quang. Arsene Wenger đấy, một nhân vật hoàn toàn khác biệt mà nước Anh chưa từng thấy trước đó”.
Trước khi người ta dùng tất cả những mỹ từ để ca ngợi Pep Guardiola, thế giới đã từng tán dương Arsene Wenger e còn nhiều hơn thế. Cùng với Sir Alex, Wenger là người có công cực lớn trong việc đại chúng hóa nền bóng đá Anh, mang Premier League phủ sóng toàn cầu. Tháng 9/1996, tức thời điểm Wenger được bổ nhiệm, số HLV nước ngoài làm việc ở Anh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sáu năm trước khi Wenger đến, Jozef Venglos còn là HLV nước ngoài đầu tiên làm việc ở Vương quốc Anh. Ruud Gullit sau đó được bổ nhiệm theo kiểu cấp cứu cho Chelsea vì Glenn Hoddle lên cầm quân cho tuyển Anh. Tottenham có làm việc một chút với Ossie Ardiles.
Nhưng tất cả đều không ấn tượng chút nào. Chỉ đến khi Wenger đến, mọi thứ thay đổi. Con số HLV nước ngoài từ khi Wenger xuất hiện đến nay đã kịp chạm mốc 50, trong đó có 8 HLV ở 8 CLB xếp cao nhất trên BXH Premier League mùa trước.
Từ đánh đến... bị đánh
Bây giờ lại nói đến sự cải cách. Nhiều người vẫn nhìn Wenger như một người lạc hậu, không chịu thay đổi khi thế giới xung quanh đều đã thay đổi. Nhưng ở một góc nhìn khác, Wenger thực ra vẫn đang làm cách mạng, một cuộc cách mạng để thoát khỏi thành công cũ của chính mình. Chỉ có điều cuộc cách mạng ấy bất thành mà thôi.
Bạn có nhớ sau khi kết thúc trận đấu gần nhất với Hull City, Wenger đã ngợi khen tiền vệ tân binh Granit Xhaka của ông hết lời và so sánh anh với Emmanuel Petit. “Cậu ấy là một động cơ tuyệt vời, rất mạnh trong tranh chấp bóng bổng và công thủ toàn diện”. Vấn đề là tại sao bây giờ ông mới mua “động cơ” ấy về cho cỗ máy xộc xệch Arsenal?
Khi Arsenal vô địch mùa đầu tiên năm 1998, họ có bộ đôi Petit -Vieira rất lợi hại. Rồi sau đó Wenger thay Petit bởi Gilberto Silva. Nghĩa là Arsenal luôn có một tấm bản lề rất vững, luôn hừng hực sức chiến đấu.
Trong 10 năm từ 1996-2006, không đội nào giành nhiều... thẻ đỏ hơn Arsenal. Khi Arsenal và Man United choảng nhau trong “trận chiến buffet” nổi tiếng năm nào, Arsenal mới là đội gây hấn và “đầu gấu” hơn.
“Vieira là một trong những người đầu tiên Wenger mua. Còn cầu thủ đầu tiên ông mua trong mùa hè là Petit. Tôi chẳng hiểu vì sao ông ta lại không đi theo con đường thành công ấy,” Jamie Carragher đặt câu hỏi.
Quả vậy, Wenger không dùng tiền vệ dữ dằn nữa. Ông chuyển từ “đầu gấu” sang “thanh niên nghiêm túc”, từ Vieira - Petit sang Fabregas - Flamini. Arsenal từ chỗ lãnh nhiều thẻ đỏ vì chuyên đá người giờ chuyển sang gặp nhiều chấn thương vì bị... người đá. Bởi Wenger muốn nâng cái đẹp trong lối chơi của Arsenal lên một tầm cao mới hơn nữa.
Khi Wenger mua Xhaka, ta biết ông rất đau khổ, bởi cuộc cách mạng của ông vẫn còn dang dở, nhưng ông chỉ còn mùa bóng cuối cùng của hợp đồng để cứu chuộc tất cả.
Lối chơi Arsenal ngày càng mềm mại hơn Thống kê cho thấy, triết lý bóng đá của HLV Arsene Wenger tại Arsenal ngày càng có xu thế mềm mại hơn. Điều này thể hiện qua việc số đường chuyền của Arsenal ngày càng tăng lên theo thời gian trong 20 năm dưới thời Giáo sư. Ngược lại, số pha tắc bóng của Pháo thủ lại có chiều hướng giảm đi. Đội hình hay nhất của kỷ nguyên Wenger Mọi người sẽ có những lựa chọn của riêng mình để điền vào danh sách 11 cầu thủ hay nhất mà HLV Arsene Wenger từng huấn luyện, dựa trên đội hình 4-4-2. Dưới đây là lựa chọn của cựu tiền đạo Man United và đội tuyển Anh Alan Smith. Tất cả cầu thủ trong đội hình này đều hoặc giải nghệ, hoặc đã rời Arsenal từ khá lâu, tức đều là những ngôi sao trong quá khứ khá xa xưa của Pháo thủ. “Hãy đến đây và cùng vui!” Đấy là thông điệp đầu tiên của HLV Arsene Wenger dành cho các CĐV Arsenal trong ngày nhậm chức. Với Wenger, bóng đá trên hết phải là niềm vui. Ông nói: “Không một đội bóng nào có thể chơi tưng bừng và hấp dẫn trong mọi trận đấu. Nhưng chúng tôi sẽ cố hết sức để mang đến điều đó. Vì thế nên thông điệp của tôi đến mọi người là: hãy đến sân và cùng vui với chúng tôi!”. Tỷ lệ Wenger ở lại 20 năm từng là 5.000/1 Khi Wenger chính thức được bổ nhiệm, không một ai nghĩ nhà cầm quân này có thể tại vị được Arsenal đến 2 thập kỷ. Trang web chuyên về thống kê www.squawka.com phân tích những con số ở thời điểm đó và đưa ra tỷ lệ cược áng chừng cho việc Wenger trụ đến 20 năm là 5.000/1 (đặt 1, ăn 5.000), tức là tương đương với tỷ lệ Leicester City vô địch Premier League đầu mùa bóng trước. |