Cứ đến 13h17 mỗi ngày, sau khi học sinh dùng xong bữa trưa, tiếng loa lại vang lên trong các lớp học ở trường trung học Uto, tỉnh Kumamoto, Nhật Bản, thông báo "giờ Utouto bắt đầu".
Một học sinh đứng dậy kéo rèm, tắt đèn. Ba phút sau, tiếng nhạc nhẹ nhàng vang lên. Cả lớp bắt đầu đan chéo tay, nằm bò ra bàn và ngủ, một số lấy khăn quàng làm gối.
10 phút sau, loa phát thông báo Utouto, giờ ngủ trưa, kết thúc. Học sinh mở rèm, bắt đầu dọn dẹp lớp học, chuẩn bị cho giờ học buổi chiều.
"Vấn đề mấu chốt là bố trí thời gian ngủ trưa 10 phút", Yuichi Goto, giáo viên 42 tuổi, người đề xuất áp dụng giấc ngủ ngắn cách đây 9 năm như một biện pháp đối phó cơn buồn ngủ sau bữa trưa của học sinh, nói.
Theo thầy Goto, giấc ngủ ngắn có thể giảm thiểu cơn buồn ngủ tích tụ từ sáng. Việc học sinh dọn dẹp lớp học ngay sau giấc ngủ cũng nhằm bắt đầu các tiết buổi chiều với tinh thần sảng khoái.
Trường Uto bắt đầu cho phép học sinh ngủ ngắn trước tiết 5 vào đầu giờ chiều từ năm 2015. Trước khi thực hiện chính sách này, 90% học sinh nói cảm thấy buồn ngủ trong giờ học chiều, trong đó 56% bị cơn buồn ngủ "tấn công" vào tiết 5.
Nhà trường đón nhận ý tưởng của thầy Goto với nỗi hoài nghi, nhưng sau đó nhận được nhiều phản hồi tích cực sau hai tuần áp dụng thử nghiệm. Học sinh tăng tập trung, cải thiện thành tích trong các câu lạc bộ ngoại khóa. Số học sinh phải vào phòng y tế của trường cũng giảm đáng kể.
"Giấc ngủ 10 phút giúp em cải thiện năng suất học tập vào buổi chiều", Naoto Komeda, học sinh 16 tuổi, nói.
Thầy Goto lưu ý người Nhật Bản từ lâu có xu hướng đề cao việc bỏ giấc ngủ trưa để dành thời gian học tập hoặc làm việc. Sau nhiều năm áp dụng, thầy giáo bày tỏ vui mừng khi nhận thức về lợi ích của việc ngủ đủ giấc ngày càng tăng.
"Thật ý nghĩa khi nhà trường quan tâm đến giấc ngủ của học sinh", thầy Goto nói.