Sự việc Trường Tiểu học Trần Phú phải “gỡ khó” bằng cách tạo ra 10 phòng học từ các phòng chức năng đã phản ánh thực trạng chung của trường học tại TP Hà Tĩnh. Mặc dù thành phố đã có nhiều giải pháp huy động nguồn lực nhưng gần như nhu cầu hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất trường học giai đoạn 2016-2020 đang là thử thách không nhỏ. Bên cạnh một số trường có tuổi thọ trên 25 năm, đã xuống cấp như Tiểu học Thạch Linh, THCS Lê Bình, nhiều trường nhà hiệu bộ hiện không có hoặc xập xệ, thiếu phòng học như: Mầm non Thạch Đồng, Tiểu học Thạch Hạ, Nam Hà, Văn Yên, Hà Huy Tập, THCS Đại Nài...
Các bạn nhỏ lớp 1C Trường Tiểu học Trần Phú luyện chữ trong phòng học được thông nối từ phòng của phó hiệu trưởng và văn thư.
“Trước đây, khi làm trường học, tầm nhìn hạn chế, hơn nữa, các quy định về giáo dục cũng thay đổi, như ngày trước ai nghĩ trường mầm non lại có cao tầng. Vì thế, nhiều ngôi trường giờ không đáp ứng được yêu cầu, nhiều trường khó có diện tích để cải thiện cơ sở vật chất theo quy chuẩn” - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Nguyễn Hữu Nghĩa cho hay.
Khác với các địa phương, là trung tâm tỉnh lỵ, TP Hà Tĩnh đã chịu tác động khá lớn của tốc độ gia tăng dân số cơ học. Dân số trẻ là cơ hội để TP Hà Tĩnh “bồi bổ sức khỏe” cho mình, nhưng dân số trẻ kéo theo lượng học sinh (HS) tăng cao đang gây áp lực cho đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Nhiều năm học, tỷ lệ học sinh từ bậc mầm non tới THPT đều tăng cao, gây ra những khó khăn nhất định cho các nhà trường. Ngoài nhu cầu di cư về thành phố, lượng HS tăng còn xuất phát từ “lời mời gọi” của chất lượng giáo dục.
Như Trường Tiểu học Trần Phú hiện đang có 724 HS. Trước khó khăn về cơ sở vật chất, dạy học, trường tiểu học đứng top 3 của thành phố này vẫn đang vui vẻ chia ca (sáng: khối 3, 4, 5; chiều: khối 1, 2) như là một niềm động viên, chia sẻ không thể nhân văn hơn của phụ huynh dành cho đội ngũ thầy cô giáo. Sự chia sẻ này quả là điều cần được nhiều tấm lòng ghi nhận, bởi chính những người đứng trên bục giảng cũng là những người bị thương tổn không nhỏ; cho dù, ngay cả phó hiệu trưởng và văn thư phải tháo dỡ vách ngăn để tạo phòng học cho lớp 1 và 5 (sáng/chiều).
“Tuy trường lớp xuống cấp, nhưng theo quy định, số tiền từ đóng góp tự nguyện của phụ huynh không được dùng vào mục đích xây trường lớp. Năm học 2015-2016, chúng tôi đã sử dụng số tiền này làm sân lát gạch, bồn hoa, giá gỗ, thư viện xanh...”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú - Nguyễn Thị Hương trần tình.
Với nỗi trăn trở về “chỗ ngồi” của HS, TP Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều giải pháp, lồng ghép các nguồn lực trong và ngoài ngân sách. Nhiều năm gần đây, thành phố đã tập trung cao cho việc huy động nguồn xã hội hóa theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Bởi vậy, diện mạo trường lớp ở thành phố đã có những chuyển biến nhất định.
“Ở bậc mầm non, các trường tư thục như Trí Đức, iSchool, Hoa Sen, Nguyễn Du với nhiều ưu thế đã huy động gần 1/3 số trẻ trên địa bàn. Trong tương lai gần, dự kiến địa bàn thành phố sẽ thu hút khoảng 3 trường mầm non tư thục nữa. Tuy nhiên, điều chúng tôi trăn trở là việc huy động nguồn từ doanh nghiệp đầu tư vào bậc học tiểu học, THCS hiện đang gặp khó” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Lương Quốc Tuấn cho biết.
Khó thu hút nguồn xã hội hóa đầu tư vào trường lớp nên các nhà trường hầu hết đều chờ vào ngân sách. “Ngân sách rất hạn hẹp mà nhu cầu đầu tư của các trường thì nhiều, vì thế, không còn cách nào khác là phải thực hiện cuốn chiếu, theo từng bước, ưu tiên các trường xuống cấp nghiêm trọng, thiếu phòng học... Riêng Trường Tiểu học Trần Phú hiện đã có phương án đầu tư xây mới với kết cấu 3 tầng, 18 phòng học, dự kiến khoảng 12,5 tỷ đồng” - ông Tuấn nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng hy vọng, đồng hành với khó khăn chung này, thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào giáo dục theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần giảm tải ngân sách và nâng cao chất lượng dạy, học trên địa bàn thành phố.