Dấu ấn của những sự khởi đầu
Tôi muốn nói đến cuộc gặp gỡ giữa tôi và ngôi nhà THCS Lê Văn Thiêm - TP Hà Tĩnh (tiền thân là Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh), ngôi trường mang tên nhà toán học tài danh Lê Văn Thiêm - một người con ưu tú của quê hương.
Học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh) trong một hoạt động ngoài trời. Ảnh tư liệu
Với tôi, đó là dấu ấn của những sự khởi đầu: nơi tôi bắt đầu “dan díu” với văn chương; nơi tôi bắt đầu có những tháng ngày của một sinh viên thực tập; nơi khởi sinh những tình cảm đẹp đẽ về học trò, về thầy cô, đồng nghiệp; nơi tôi hăm hở bước vào một hành trình tìm kiếm những giá trị sống đích thực và cũng là nơi tôi bắt đầu với sự nghiệp “trồng người”.
Gần 20 năm đã trôi qua (2002-2021) từ ngày tôi đặt chân lần đầu tiên vào Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh ngày ấy. Trong kí ức của một cô sinh viên Văn khoa, đó là một ngôi trường với khuôn viên bé nhỏ nhưng thật nhiều cây xanh và hoa, nằm khiêm nhường bên một góc phố vắng trên đường Lý Tự Trọng.
Đón tôi vào buổi sáng đầu tháng 9 năm ấy là sự thân tình, ấm áp. Thực lòng ban đầu tôi vô cùng lo lắng mặc dù đây là lần quay lại trường sau vài tháng kể từ khi tôi kết thúc đợt thực tập, nhưng đây lại là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi người - ngày tôi chính thức trở thành cô giáo.
Và cũng ngay từ những ngày tháng vừa bước vào trường, tôi đã đặc biệt yêu thích những em học sinh tài năng ở đây. Niềm đam mê văn chương của tôi càng có dịp được khơi gợi qua những giờ lên lớp, trước đôi mắt trong veo của bao cô cậu học trò, qua những câu lạc bộ thơ văn mà các em tham gia rất hào hứng...
Và tôi cũng hiểu lý do nào để một ngôi trường bé nhỏ ấy lại luôn có nhiều học sinh giỏi, học sinh đạt giải cao trong các kì thi quốc gia, quốc tế. Những thành công bước đầu ấy chính là cơ sở để cán bộ, giáo viên nhà trường vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách để khẳng định vị thế của nhà trường. Để đến hôm nay, nhắc đến Trường THCS Lê Văn Thiêm, người dân Hà Tĩnh nhắc đến một lá cờ đầu của bậc học THCS, điển hình trong phong trào xã hội hóa giáo dục toàn tỉnh, là địa chỉ được nhiều đoàn khách quốc tế, trong nước, trong tỉnh đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Các thế hệ giáo viên và học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm đã nỗ lực phấn đấu, giành nhiều thành tích đáng tự hào. Ảnh tư liệu
Chất lượng giáo dục dẫn đầu khối THCS toàn tỉnh
37 năm - một chặng đường có thể nói là chưa phải thật dài của một đời người, một ngôi trường nhưng những gì mà Trường THCS Lê Văn Thiêm tạo dựng không thể không tự hào. Điểm nổi bật của nhà trường trong nhiều năm qua đó là chất lượng giáo dục luôn dẫn đầu toàn tỉnh Hà Tĩnh của khối THCS. Từ năm học đầu tiên, năm 1985-1986, trường chỉ có 3 lớp 5, 6, 7 với 105 học sinh và 10 thầy cô giáo. Cho đến nay, trường gồm 20 lớp với gần 1.000 học trò và 48 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Trong chừng ấy năm, qua bao lần dời địa điểm, thay đổi tên gọi nhưng có thể nói chưa bao giờ những khát vọng, những đam mê vơi cạn. Từ chỗ mượn phòng học, các gốc cây che bóng mát trong những giờ giải lao ngắn ngủi, mái hiên làm nơi nép mình khi trời mưa của thầy, cô giáo, đến nay, Trường THCS Lê Văn Thiêm đã có khuôn viên rộng rãi, khang trang với những dãy phòng học hiện đại, khu hiệu bộ, nhà đa chức năng, bể bơi, khu phức hợp thể thao… đảm bảo được điều kiện dạy và học.
Gian khó đã tôi luyện ý chí, tình thầy trò, bạn bè keo sơn gắn bó mãi đến tận bây giờ. Thầy, cô giáo luôn đoàn kết, yêu thương học trò, luôn nỗ lực không ngừng, phấn đấu không mệt mỏi để đạt được nhiều thành tích, để phù hợp với vai trò, vị trí của người giáo viên trong thời kỳ đổi mới.
Hiện nay 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường có bằng đại học - đạt chuẩn và trên chuẩn. 10/45 cán bộ, giáo viên có bằng thạc sĩ. Hầu hết cán bộ, giáo viên đều đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh. Nhiều thầy cô giáo đã được trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam như: thầy Trần Thanh Kiên - Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng; cô Đoàn Thị Thanh Huyền - Phó bí thư Đảng bộ, Phó hiệu trưởng; các cô: Nguyễn Thị Hồng Hải, Lê Thị Mỹ Tân, Dương Thị Huyên, Nguyễn Thị Nhung…
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS Lê Văn Thiêm. Ảnh tư liệu
Những tiết dạy Toán của cô Nguyễn Thị Hồng Hải, cô Nguyễn Thị Nhung… không còn là những con số khô khan, vô hồn mà nó đã trở thành những phép toán cuộc đời. Những tiết học tiếng Anh của cô Minh Hương, Ánh Phượng… như đưa các em tiếp cận thêm một nền văn hóa mới lạ. Tiết giảng văn của nhà thơ - nhà giáo Hồ Minh Thông, cô Võ Ngọc Hà, Lê Thị Mỹ Tân, Dương Thị Huyên… vẫn luôn được học trò ghi nhớ, mê say. Hình ảnh thầy Hiệu trưởng Trần Thanh Kiên cao gầy, cách làm việc nhiệt tâm, khoa học nhưng rất cụ thể; đặc biệt thầy có khả năng nhớ rất nhiều em học sinh và nhớ rõ những đặc điểm của học sinh khiến học trò luôn nể phục.
Không chỉ nỗ lực trong giảng dạy, sự tận tâm trong công việc, say mê trong nghiên cứu khoa học mà với chất nhân văn, ấm áp tình người luôn có sẵn trong tấm lòng mỗi thầy cô giáo. Những tiết lên lớp dạy thay đồng nghiệp. Những phần việc vất vả đều tự nguyện đảm đương. Cô Bùi Thị Huyền, cô Trần Thị Thanh Hà - giáo viên Toán vẫn luôn bùi ngùi nhắc lại: “Nếu không có sự tiếp sức của đồng nghiệp, của mái nhà Lê Văn Thiêm, chúng tôi chắc không thể vượt qua căn bệnh hiểm nghèo được”. Hay những việc buồn vui của các thầy, cô giáo nhưng đều có sự sẻ chia của tất cả giáo viên… Cũng chính từ những lời bảo ban, chất nhân văn trong mỗi con người của thầy, cô giáo ấy luôn nhen lên trong tâm hồn các em học sinh ước mơ và khát vọng để các em cố gắng học hành trở thành những con người có ích cho mai sau.
Nơi “ươm mầm” những tài năng
Và dường như tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ, tâm huyết nghề nghiệp của thầy cô đã truyền sang cho bao thế hệ học sinh. Cảm nhận được tấm lòng ấy, bao thế hệ học sinh đã cố gắng để vươn lên giành được thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Cũng chính vì vậy, để đến hôm nay, trải qua suốt chặng đường 37 năm xây dựng và phát triển, dù phải chuyển đổi các mô hình khác nhau nhưng trường đã khẳng định được những bước đi vững chãi với những thành tích nổi bật.
Học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm tích cực tham gia các hội thi do ngành giáo dục phối hợp tổ chức.
Hàng trăm em học sinh đã đạt giải quốc tế, hơn 300 em đạt giải học sinh giỏi quốc gia, khoảng 3.500 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có hơn 200 em đạt giải nhất, thủ khoa. Những hạt giống được ươm mầm từ ngôi trường này đã tạo nguồn học sinh giỏi cho Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh và khối THPT chuyên trong các trường đại học. Các em học sinh tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, giành được những kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện.
Hàng trăm em là học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa các kỳ thi vào đại học, thủ khoa các kỳ thi vào các trường THPT chuyên, vào đại học, thủ khoa tốt nghiệp đại học như: em Trịnh Kim Chi - huy chương vàng Olympic Toán khu vực Đông Nam Á, một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 1998, hiện đang công tác tại công ty phần mềm máy tính tại Mỹ; em Lê Nam Trường - huy chương bạc Olympic Toán Quốc tế lần thứ 47 năm 2007 và đã bảo vệ Tiến sĩ tại Đức; em Võ Anh Đức - huy chương vàng Olympic Toán quốc tế lần thứ 54 năm 2013, hiện đang du học tại Mỹ; em Nguyễn Thị Hà Phương - huy chương vàng quốc gia giải Toán trên máy tính cầm tay năm 2015 và thủ khoa đại học khối A1 năm 2019-2020.
Tại kỳ thi vào lớp 10 THPT Chuyên Hà Tĩnh năm học 2020 - 2021, Trường THCS Lê Văn Thiêm có 4 gương mặt thủ khoa các môn Lý, Hóa, Anh, Ngữ văn.
Tại thời điểm này, hàng chục em là cựu học sinh nhà trường có bằng tiến sĩ, hàng trăm em là thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, nhà giáo, doanh nghiệp trẻ… Nhiều em đã trưởng thành và công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang… Dù ở đâu, đang học tập hay làm việc ở lĩnh vực nào, học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm vẫn giữ được dấu ấn riêng và có những đóng góp lớn lao cho quê hương, đất nước. Đó chính là sự thành công nhất đối với nhà trường và bao thế hệ thầy cô giáo.
Không chỉ trong học tập mà trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, văn hóa văn nghệ, các phong trào xã hội, các cuộc thi mới do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, các tổ chức chính quyền tổ chức, học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm đều tích cực tham gia như Diễn đàn trẻ em, Trại hè quốc tế, Đọc sách vì tương lai, Đại sứ văn hóa đọc… Năm 2019, em Phạm Thị Khánh Linh đạt giải nhì; năm 2020, em Trần Thảo Anh, Phan Tuấn Bảo đạt giải ba quốc gia về Đại sứ văn hóa đọc do Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức.
Trong các phong trào thiện nguyện, phong trào vì cộng đồng, giáo viên và học sinh nhà trường đều tích cực tham gia. Đó là những bộ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, là những số tiền tiết kiệm, dành dụm để sẻ chia gian khó với những phận đời kém may mắn. Hàng trăm triệu đồng đã được các em học sinh và thầy cô giáo đóng góp từ tấm lòng đầy thấu hiểu và sẻ chia, và cũng từ đó sức mạnh của tình yêu thương lan tỏa và tiếp nối hành trình của niềm hy vọng.
Với sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh, qua 37 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THCS Lê Văn Thiêm đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành GD&ĐT tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Liên tục nhiều năm trường được tặng danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Hà Tĩnh, bằng khen của tỉnh, Bộ GD&ĐT, các đoàn thể cấp tỉnh, trung ương. Trường THCS Lê Văn Thiêm cũng đã được công nhận là đơn vị học tập, đơn vị văn hóa, được cấp bằng công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 - cấp độ cao nhất của Bộ quy định.
Trường THCS Lê Văn Thiêm vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2020.
Thành công nối tiếp những thành công, Công đoàn nhà trường đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen, tặng cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, nhà trường vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động 3 lần: hạng ba (2000), hạng nhì (2011) và hạng nhất (2020) của Chủ tịch nước và nhiều bằng khen của các tổ chức khác.
Được sống, làm việc, cống hiến, học tập dưới mái Trường THCS Lê Văn Thiêm đối với mỗi chúng tôi thật sự là niềm tự hào không gì sánh nổi. Có những người đã từng đi nhiều nơi, giảng dạy ở nhiều ngôi trường nhưng chắc chắn điểm dừng chân nơi ngôi nhà Lê Văn Thiêm sẽ để lại muôn vàn cảm xúc. Có niềm vui, niềm hãnh diện về những thành tựu của đồng nghiệp, của học sinh. Có niềm cảm phục về những tấm gương đã vượt qua gian khó. Có niềm tiếc nuối pha lẫn niềm hy vọng của người chèo đò khi chia tay những thế hệ học sinh. Có nỗi buồn sẽ được sẻ chia. Có những khoảnh khắc rồi sẽ thành kỷ niệm…