Một ngày đầu năm học mới, chúng tôi đến thăm trường Trung cấp nghề Phạm Dương (đóng tại xã Thiên Lộc - Can Lộc), nơi chắp cánh cho những ước mơ lập thân, lập nghiệp của con em quê nghèo Hà Tĩnh. Thầy Phạm Anh Tuấn - Hiệu phó nhà trường, vui vẻ cho biết: Chủ tịch Phạm Nhật Vượng là người con quê hương Hà Tĩnh. Năm 2008, ông đã quyết định về quê để xây dựng Trường trung cấp đào tạo nghề với nghĩa cử cao đẹp là tạo cơ hội được học tập và tìm kiếm việc làm ổn định cho con em quê hương, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực cho Tập đoàn. Vì thế nên Trường được ra đời trên đất Hà Tĩnh, lấy tên của cụ Phạm Dương - thân sinh của ông Phạm Nhật Vượng làm tên trường. Trường hoạt động không vì lợi nhuận, mà theo hình thức là một thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup, chủ yếu đào tạo nguồn nhân lực cho Tập đoàn là chính.
Hàng trăm học viên tốt nghiệp trường này đã nhanh chóng có việc làm ổn định |
Thầy Tuấn tâm sự: Trường chúng tôi lấy phương châm “học đi đôi với hành” làm hành trang khởi nghiệp cho thế hệ trẻ. Chúng tôi xác định, mục tiêu của trường là tạo môi trường đào tạo nghề tốt nhất, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho con em Hà Tĩnh nói riêng, một số tỉnh lân cận nói chung. Để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như chất lượng “sản phẩm”, trường luôn áp dụng hình thức đào tạo nghề theo mô hình trường nghề trong doanh nghiệp. Mô hình đào tạo nghề này được thế giới công nhận. Đối với Việt Nam đây là mô hình mới, đang được các Tập đoàn áp dụng và có hiệu quả thiết thực”.
Cũng theo thầy Tuấn, với hình thức đào tạo trên, học viên chỉ học ở trường một thời gian ngắn để nắm được kiến thức cơ bản; sau đó trường sẽ cho đi học thực tế theo hình thức vừa học vừa làm (và được trả lương). Nhờ được học và trải nghiệm thực tế, thực hành bài bản tại các khu Trung tâm phát triển kinh doanh, dịch vụ của Tập đoàn như Vinpearl Luxury Nha Trang và Vinpearl Luxury Đà Nẵng hoặc các điểm trong hệ thống Trung tâm thương mại Vincom… nên sau khi ra trường, hầu hết các học viên đều đủ năng lực làm việc tại các công ty, chi nhánh của Tập đoàn.
Trong quá trình học, thông qua trường, Tập đoàn hỗ trợ 30% đến 50% học phí so với mức quy định của nhà nước cho học sinh trung cấp nghề; giảm 70% học phí cho học viên học sơ cấp nghề du lịch – thương mại. Thời gian thực tập, mọi chi phí ăn, ở, đi lại đều do Tập đoàn chi trả cho học viên. Đặc biệt, kết thúc khoá học và sau thời gian thử việc 2 tháng, nếu đạt kết quả theo yêu cầu, học viên sẽ được nhận vào làm việc tại các cơ sở của Tập đoàn với mức thu nhập ban đầu từ 4-4,5 triệu đồng/tháng; được đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội của Nhà nước và các chế độ phúc lợi của Tập đoàn.
Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, trường Trung cấp nghề Phạm Dương đã đào tạo, cấp chứng chỉ, tạo công ăn việc làm tại Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM... cho trên 1.000 học viên. Hiện nhà trường đang tiếp tục mở rộng ngành nghề đào tạo như: Nghiệp vụ bàn, buồng, chế biến món ăn; nghiệp vụ lưu trú; nghiệp vụ bán hàng trong các Trung tâm thương mại, siêu thị; kỹ thuật trồng – chăm sóc hoa, cây cảnh... Đào tạo Trung cấp nghề từ 12 đến 18 tháng với các nghề: Điện, hàn, vận hành máy thi công mặt đường. Ngoài ra, trường còn liên kết với trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và các trường cao đẳng có uy tín trên cả nước đào tạo trình độ cao đẳng nghề cho học viên như: Điện công nghiệp, hàn, kỹ thuật xây dựng, kế toán doanh nghiệp…
Một khóa học về du lịch của Trường |
Điều đặc biệt ở trường Trung cấp nghề Phạm Dương là có cả những sinh viên cao đẳng, đại học đã có bằng tốt nghiệp loại ưu nhưng vẫn theo học tại đây. Chúng tôi băn khoăn, tại sao các em đã tốt nghiệp đại học, thậm chí có nhiều em tốt nghiệp bằng giỏi nhưng lại tìm vào trường Phạm Dương để học tiếp?, thầy Tuấn cười vui, nói: “Vì trường Phạm Dương là ngôi nhà chung của học viên mà”. Tiếp lời thầy Tuấn, học viên Nguyễn Thị Linh, quê ở Kỳ Anh, nói: “Em đã tốt nghiệp đại học sư phạm với tấm bằng loại khá, nhưng, như các anh biết đấy, hai năm nay, ngành sư phạm không có một suất biên chế nào nên em không muốn chờ đợi them nữa. Em quyết định vào học ở trường Phạm Dương bởi ngôi trường này tạo cho chúng em một sự năng động, sáng tạo; khi ra trường là có việc làm ngay, ổn định với thu nhập khá”.
Cựu học viên của trường, chị Trần Thị Thắm, quê ở Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, hiện là Tổ trưởng nghiệp vụ buồng Vinpear Luxury Đà Nẵng, phấn khởi nói: “Đến bây giờ em vẫn nghĩ là mình đang mơ. Trong thời gian đi học, ngoài việc miễn giảm học phí đến 70%, em còn được bao ăn, ở, chi phí đi lại trong quá trình vào thực tập ở Nha Trang. Sau khi học xong lại được lãnh đạo Tập đoàn Vingroup, nhà trường tạo điều kiện bố trí cho một công việc ổn định với mức khởi điểm hơn 4 triệu đồng/tháng. Làm việc ở Vingroup là làm việc trong môi trường hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế nên mỗi cán bộ CNV, dù ở bộ phận nào cũng có phong cách làm việc hoạt bát, khoa học và có tính chuyên nghiệp hóa rất cao. Tất cả chúng em đều được tăng lương mỗi năm một lần và ai ai cũng mừng vì có cuộc sống, thu nhập ổn định. Ngoài em Thắm, còn có hàng trăm em khác cũng có công việc ổn định, thu nhập cao nhờ sự ưu đãi của Tập đoàn và nhà trường như em Lê Thị Hồng Thơm, huyện Đức Thọ; Hồ Thị Lan, xã Hồng Lộc, Lộc Hà (Hà Tĩnh)…
Mặc dù là ngôi trường non trẻ nhưng với những ưu đãi tuyệt vời của mình, trường Trung cấp nghề Phạm Dương đã thu hút được rất đông học viên theo học. Trường thực sự là nơi chắp cánh cho thanh niên, sinh viên nghèo lập thân, lập nghiệp; góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn Hà Tĩnh. Từ ngôi trường giản dị này, nhiều em đã có cơ hội để vươn lên phát triển, bay cao, bay xa trên con đường lập nghiệp của mình.