Tự hào giáo dục Vũ Quang

(Baohatinh.vn) - Trong những ngày thu tháng Chín, nhất là càng gần với lễ khai giảng, người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) lại tự hào nhắc đến "quả ngọt" của ngành giáo dục.

Không tự hào sao được khi ở miền quê còn nhiều khó khăn và có nhiều trường học nằm trong vùng rốn lũ này lại có những em học sinh xuất sắc giành giải nhất quốc gia môn Địa lý, giải nhì quốc gia môn Văn học; không tự hào sao được khi ở nơi đại ngàn này lại có một em học sinh xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào môn Tin học Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.

Đặc biệt, năm học vừa qua, trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Trường THPT Vũ Quang và Trường THPT Cù Huy Cận đã giành được những kết quả đáng mừng. Trong đó, Trường THPT Vũ Quang có 107/107 em đậu tốt nghiệp THPT; điểm bình quân các môn của trường đạt 7,269 cao hơn điểm bình quân toàn quốc (6,45) và tỉnh Hà Tĩnh (7,138), tăng 0,383 điểm so với điểm bình quân của trường năm 2023.

1.1.jpg
Kết quả đáng tự hào sau mỗi mùa thi là động lực để giáo viên, học sinh Trường THPT Cù Huy Cận vững tin bước vào năm học mới.

Toàn trường có 100 lượt môn đạt điểm 9,0 trở lên, 7 điểm 10; có 21 học sinh có tổ hợp 3 môn xét tuyển sinh đại học đạt từ 27 điểm trở lên với 51 lượt; có hai học sinh đạt từ 29.0 điểm trở lên là em Phạm Thùy Linh đạt 29,25 điểm tổ hợp C00, em Trần Tuấn Vũ đạt 29,0 điểm tổ hợp C00.

Trường THPT Cù Huy Cận có 174/174 học sinh đậu tốt nghiệp, có 6 môn đạt điểm bình quân cao hơn toàn quốc và toàn tỉnh. Toàn trường có 10 lượt học sinh đạt từ 28.0 - 28.5 điểm, có 27 lượt học sinh đạt 27.0 điểm và em Nguyễn Thị Ngọc Bích đạt 29 điểm tổ hợp C00…

1.2.jpg
Vượt qua mọi khó khăn, giáo viên, học sinh miền núi Vũ Quang đã và đang nỗ lực làm nên những kỳ tích.

Bà Phan Thị Hồng Yến – Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang chia sẻ: “Chứng kiến sự chuyển biến về chất lượng giáo dục trong những năm gần đây, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Niềm tự hào của những người sinh ra và lớn lên ở đây cũng là người được giao trọng trách đối với sự phát triển của vùng đất này. Thành tích của ngành giáo dục ghi dấu những nỗ lực không biết mệt mỏi của phụ huynh, học sinh; sự bền bỉ, kiên trì, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp học. Ngay cả những vùng rốn lũ vẫn có học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, ngay cả vùng biên giới vẫn có thủ khoa Tin học… Với chúng tôi, đó không chỉ là thành tích mà là kỳ tích”.

Luồn sâu trong thôn Hương Phùng – xã Đức Hương để đến nhà em Trần Thị Thanh Nga (giải nhì quốc gia Ngữ văn năm học 2023 – 2024), gặp bố mẹ em và người thầy của em, chúng tôi càng thấm niềm hạnh phúc và tự hào mà Phó Chủ tịch UBND huyện nhắc đến.

Nằm ở cuối thôn, xưa kia, khi kênh thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang chưa hoàn thành, mùa lũ, nhà và con đường đến trường của em Nga thường xuyên bị ngập trong lũ. Trong mùa mưa lũ, việc học của em bị gián đoạn, vất vả vô cùng nhưng Nga có năng lực nên cả gia đình đã bằng nhiều cách khắc phục khó khăn, quyết tâm để em theo con đường học hành.

Không phụ lòng ông bà, bố mẹ và thầy cô, năm lớp 9, em đã giành giải nhất học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn. Sau đó, cả 3 năm học cấp 3 em đều giành giải nhất tỉnh và năm lớp 12 em xuất sắc giành giải nhì quốc gia.

1.7.jpg
Lãnh đạo ngành giáo dục và thầy giáo chia vui cùng Trần Thị Thanh Nga.

Thanh Nga chia sẻ: “Em rất yêu học tập và yêu nhất môn Văn, càng chứng kiến cảnh khó khăn của người dân trong thôn, chứng kiến bố mẹ phải lao động vất vả kiếm tiền nuôi em ăn học, chứng kiến các thầy cô giáo đã phải vật lộn với những khó khăn, thiếu thốn như thế nào để dạy học, em càng quyết tâm học hành. Em cũng may mắn khi gặp được những người thầy tận tâm, nhất là thầy giáo dạy Văn - Trần Thanh Đoàn ở Trường THPT Cù Huy Cận. Thầy chính là người bồi đắp cho em tình yêu văn chương và quyết chí học hành”.

Thầy Trần Thanh Đoàn mà Thanh Nga nhắc đến là một trong những thầy giáo chuyên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của huyện. Cũng như nhiều giáo viên khác ở Vũ Quang, để có thể làm tốt nhiệm vụ của mình, thầy Đoàn đã phải làm việc với tinh thần sẻ chia và hy sinh cao. Không chỉ phụ trách đội tuyển khối THPT, thầy còn phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện, tham gia dạy tập trung cho các đội tuyển khối THCS. Và cũng chính vì vậy, thầy đã có điều kiện theo dõi, phát hiện, bồi dưỡng nhân tố cho đội tuyển khối THPT.

1.6.jpg
Thành tích của học sinh sau những mùa thi là sự kiên trì, tâm huyết của những người thầy tận tụy.

Cùng có mặt tại nhà em Thanh Nga, thầy Đoàn chia sẻ: “Tuy Vũ Quang không phải là vùng đất có truyền thống học hành khoa bảng và điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn nhưng học sinh ở đây đều ham học, phụ huynh nhận thức cao về ý nghĩa của việc học nên tôi có động lực để vượt lên gian khổ, làm tốt công tác dạy học, nhất là ở mảng giáo dục mũi nhọn. Đặc biệt, những năm gần đây, huyện có chính sách đãi ngộ đối với giáo viên bồi dưỡng đội tuyển nên tôi có thêm điều kiện để đầu tư cho công tác dạy học. Tôi cũng rất tự hào khi từ năm 2010 đến nay, trong tổng số 12 em đạt giải nhất học sinh giỏi tỉnh các môn của Trường THPT Cù Huy Cận thì môn Văn do tôi phụ trách có 4 em, đặc biệt là năm học vừa qua, em Trần Thị Thanh Nga đã xuất sắc giành giải nhì quốc gia. Đó là động lực để tôi làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình”.

Không riêng gì thầy Đoàn, em Nga mà truyền thống kiên cường, vượt khó của người Hà Tĩnh đã ăn sâu trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh ở Vũ Quang. Nhờ đó, tất cả các cấp học đều giành được những thành tựu đáng tự hào. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ vào mẫu giáo hằng năm đạt từ 98% trở lên; huy động 100% học sinh các lớp đầu cấp; năm học 2023 – 2024 có 93 học sinh phổ thông đạt học sinh giỏi tỉnh (THCS 39 em và THPT 54 em); chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 THPT và tốt nghiệp THPT đều tăng lên hằng năm…

1.5.jpg
1.4.jpg
Các trường học ở Vũ Quang đã thay màu áo, chào đón năm học mới.

Thầy Nguyễn Bá Ngọc – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vũ Quang chia sẻ: “Chúng tôi tự hào khi có một đội ngũ cán bộ, giáo viên đầy tâm huyết, tận tâm với nghề. Trong hoàn cảnh điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, các thầy cô giáo đã cùng nhau đoàn kết, vượt khó để dạy tốt học tốt. Ngoài ra, toàn thể cán bộ, giáo viên đã đồng lòng, cùng các tổ chức, đơn vị tích cực huy động xã hội hoá để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn và hỗ trợ học sinh khó khăn. Tháng 12/2023, chúng tôi đã ra mắt Quỹ khuyến học - khuyến tài Phan Đình Phùng với nguồn quỹ gần 2 tỷ đồng. Với nguồn quỹ này, hằng năm, chúng tôi sẽ chia sẻ, hỗ trợ thêm các em gặp hoàn cảnh khó khăn được đi học, nhất là các em đỗ đại học”.

Rời miền sơn cước Vũ Quang trong niềm vui chưa dứt về những thành tích mà ngành GĐ&ĐT huyện đạt được, chúng tôi vẫn canh cánh bên lòng về sự trăn trở của lãnh đạo huyện, ngành và các cán bộ, giáo viên về những thiếu thốn trong cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, về những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước ngưỡng cửa đại học. Song, rất tin vào ý chí, quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo, giáo viên và sự chung tay của người dân “đại ngàn” trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Trường Mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng từ nguồn Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và nguồn xã hội hóa của địa phương. Ngôi trường khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.