Mở đầu câu chuyện tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân năm 2023 do Trại giam Xuân Hà (phân trại số 1, đóng tại xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) tổ chức, anh Đặng Văn Toàn (SN 1992, trú thôn Tràng Sơn, xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) nhớ lại: “Tháng 8/2013, tôi vào trại để thi hành bản án 6 năm tù giam. Ngày mới bước chân vào đây là những ngày tăm tối nhất trong cuộc đời tôi. Thế nhưng, được sự yêu thương, bảo ban của các cán bộ cùng sự khích lệ tinh thần từ phía bạn tù, tôi đã tìm lại được niềm hy vọng sống, luôn nỗ lực để trở thành một công dân có ích”.
Ông chủ trẻ Đặng Văn Toàn giới thiệu sản phẩm gỗ do Công ty TNHH Nội thất gỗ An Minh sản xuất.
Giọng trầm ngâm, Toàn nhớ lại ký ức 11 năm về trước. Vào năm 2012, do không đồng thuận trong giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai, người dân xã Yên Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên), trong đó có Toàn, đã có hành động quá khích. Đến ngày 17/4/2013, Toàn cùng 9 bị cáo khác bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử, riêng Toàn bị truy tố 3 tội danh: “Cố ý gây thương tích”, “Gây rối trật tự công cộng” và “Chống người thi hành công vụ”. Phiên tòa còn triệu tập 36 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Phiên tòa sơ thẩm kết thúc, Đặng Văn Toàn chịu mức án 6,5 năm tù. Không đồng tình với phán quyết này, bị cáo làm đơn kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm (cũng được tiến hành trong năm 2013), Tòa án nhân dân Tối cao đã đánh giá, xem xét toàn diện vụ án cũng như tính chất, hành vi phạm tội của Toàn và tuyên phạt bị cáo 6 năm tù về 3 tội danh. Đến tháng 8/2013, Đặng Văn Toàn vào Trại giam Xuân Hà để chấp hành án.
Hiện, công ty gỗ của gia đình anh đang tạo việc làm cho 30 lao động.
Từ một chàng sinh viên năm thứ 2 ngành công nghệ ô tô của Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh với bao hứa hẹn, mọi thứ với Toàn lúc đó đã sụp đổ. Nói về những ngày mới bước chân vào trại, Toàn chỉ gói gọn bằng hai từ “tuyệt vọng”.
Từ ngày Toàn chấp hành án, cuộc sống của người thân bên ngoài cũng bị đảo lộn. Bao lần gia đình đến thăm là bấy nhiêu lần Toàn chứng kiến họ gầy đi ít nhiều. Nhưng, chính sự động viên, khích lệ từ người thân là liều thuốc làm dịu đi những day dứt trong Toàn. Bỏ qua mọi mặc cảm, Toàn quyết tâm phấn đấu, cải tạo thật tốt. Toàn không chỉ hoàn thành tốt công việc được phân công trong trại, tham gia đầy đủ, tích cực các khóa học nghề mà còn trở thành “cây thể thao” luôn sôi nổi trong mọi giải đấu.
Mức thu nhập bình quân của người lao động từ 5 - 15 triệu đồng/tháng.
“Chăm cây cũng có ngày cho quả”, đền đáp cho sự cố gắng, kiên trì của Toàn, phạm nhân này đã được giảm án hơn 18 tháng. Sau 4,5 năm, Đặng Văn Toàn chính thức được trả tự do, trở về với cuộc sống đời thường (năm 2017).
“Thời điểm đó, tôi loay hoay trước rất nhiều sự lựa chọn, từng thử sức ở một số lĩnh vực nhưng đều thất bại. Phải mất 1,5 năm sau đó, tôi mới tìm được hướng đi riêng cho bản thân là phát triển xưởng đồ mộc. Năm 2019, đánh dấu mốc đầu tiên trong sự nghiệp của tôi khi xưởng mộc nhỏ diện tích 400 m2 ra đời, với sự tham gia của 4 lao động” - Toàn nhớ lại.
Doanh thu mỗi năm của công ty dao động 10 tỷ đồng.
Với sự đầu tư bài bản, có định hướng và nhất là “đón sóng” tốt các tín hiệu của thị trường, các sản phẩm gỗ của Toàn được khách hàng đón nhận. Dù vậy, ông chủ trẻ vẫn luôn trăn trở làm sao để sản phẩm của mình đến với các thị trường rộng lớn. Vì vậy, khi Cụm công nghiệp Yên Huy được đầu tư xây dựng, Toàn đã mạnh dạn thuê 1.000 m2 đất ở để xây dựng xưởng sản xuất, phòng trưng bày. Đến năm 2020, Đặng Văn Toàn thành lập Công ty TNHH Nội thất gỗ An Minh. Từ đó đến nay, công ty thường xuyên tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập từ 5-15 triệu đồng/người/tháng, doanh thu 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, trong số các lao động tại công ty, có 4 người từng có quá khứ lầm lỗi như Toàn.
Khu trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Nội thất gỗ An Minh.
Sau 3 năm có mặt trên thị trường, sản phẩm gỗ của công ty đã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Cao Bằng, Sơn La, Nghệ An, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai...
“Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó”! Để có được sự nghiệp như ngày hôm nay, Đặng Văn Toàn đã vượt qua rất nhiều sự dằn vặt. Hiện tại, ông chủ trẻ đang nỗ lực từng ngày để đưa sản phẩm làng mộc quê hương sớm chinh phục những thị trường khó tính.