Tủ sách pháp luật đang bị “lãng quên”!

(Baohatinh.vn) - Hằng năm, tủ sách pháp luật vẫn được các xã, phường, thị trấn tại Hà Tĩnh bố trí kinh phí để đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, các tủ sách đã bị “bỏ quên” dẫn đến tình trạng lãng phí, không phát huy được hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Tủ sách pháp luật đang bị “lãng quên”!

Tủ sách pháp luật ở UBND thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) được trang bị đến 60 đầu sách nhưng không có người đọc.

Tại Phòng Tư pháp thị trấn Phố Châu (Hương Sơn), tủ sách pháp luật được đặt ngay ngắn, bên trong có đầy đủ nhiều loại sách liên quan đến các lĩnh vực pháp lý. Tuy nhiên, kể từ khi công chức tư pháp - hộ tịch chuyển đến giao dịch, làm việc tại bộ phận một cửa, chiếc tủ gỗ ấy cũng bị quên lãng. Dù hằng năm lượng sách vẫn được bổ sung song chẳng có ai mặn mà.

Ông Hồ Thanh Hải - công chức tư pháp - hộ tịch thị trấn Phố Châu nêu thực tế: “Tủ sách pháp luật của thị trấn hiện có khoảng 60 đầu sách liên quan đến Luật Dân sự, Hành chính, Hình sự... cùng các loại sách chuyên ngành về đất đai, hôn nhân gia đình, Luật Tiếp cận thông tin... Tuy nhiên, ngoài các sách pháp luật vẫn còn hiệu lực, một số loại khác từ lúc được đầu tư đến khi... quá hạn vẫn không có người đọc”.

Tủ sách pháp luật đang bị “lãng quên”!

Nhiều tháng qua, tủ sách pháp luật tại UBND thị trấn Phố Châu luôn trong tình trạng đóng cửa.

Ông Hải đánh giá, việc đầu tư tủ sách pháp luật là hình thức duy nhất không phát huy được hiệu quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Dù chủ thể chính mà tủ sách pháp luật phục vụ là người dân song phần lớn bà con chỉ đến bộ phận một cửa để giao dịch các loại giấy tờ về pháp lý nên thời gian qua, chiếc tủ gỗ tại Phòng Tư pháp luôn trong tình trạng đóng cửa. Chỉ thi thoảng, một số cán bộ, công chức của thị trấn và các tổ chức đoàn thể tìm đọc khi có nhu cầu tìm hiểu.

Tủ sách pháp luật đang bị “lãng quên”!

Dù được đầu tư từ lâu song phần lớn loại sách pháp luật tại UBND xã Thạch Kênh (Thạch Hà) vẫn còn rất mới.

Dù đã được đầu tư từ lâu song phần lớn các loại sách pháp luật tại UBND xã Thạch Kênh (Thạch Hà) vẫn còn rất mới. Một số sách thậm chí còn chưa được lật mở.

Chị Nguyễn Thị Hoa - công chức tư pháp - hộ tịch xã Thạch Kênh trao đổi: “Tủ sách của xã có khoảng 250 đầu sách nhưng việc đầu tư này chỉ mang tính hình thức. Bởi hiện nay, phần lớn người dân và cán bộ, công chức đều có điện thoại thông minh, hệ thống máy tính tại trụ sở xã đều được kết nối internet nên đây là phương tiện tra cứu, tìm hiểu chủ yếu. Bên cạnh đó, một số đầu sách vừa mới đầu tư nhưng chưa được bao lâu thì luật đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế nên không phát huy được tác dụng”.

Tủ sách pháp luật đang bị “lãng quên”!

Việc tìm hiểu kiến thức pháp lý qua tủ sách pháp luật hiện đã không còn phù hợp.

Tủ sách pháp luật bị lãng quên không chỉ diễn ra tại các xã, phường, thị trấn mà ở phòng tư pháp các huyện cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Theo Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Cẩm Xuyên Phan Ngọc Loan, hằng năm, huyện Cẩm Xuyên bố trí kinh phí khoảng 2 triệu đồng để đầu tư tủ sách pháp luật. Hiện tại, tủ sách của UBND huyện Cẩm Xuyên được trang bị hơn 200 đầu sách nhưng cũng bị bỏ không.

Tủ sách pháp luật đang bị “lãng quên”!

Tủ sách pháp luật tại UBND xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên).

Mới đây, tại cuộc khảo sát việc thực hiện pháp luật về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh, nhiều đại biểu đã kiến nghị cần chuyển tủ sách pháp luật sang hình thức tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với xu thế mới.

Theo đó, công chức tư pháp có thể chủ động khai thác các tài liệu pháp luật, cập nhật các văn bản luật từ các nguồn chính thống trên mạng Internet. Ngoài ra, lập các nhóm kết nối cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn qua facebook, zalo để trao đổi nội dung công việc, cập nhật các văn bản pháp luật mới, từ đó, có hình thức tuyên truyền rộng rãi với cán bộ và Nhân dân...

Tủ sách pháp luật đang bị “lãng quên”!

Cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Xuân Giang (Nghi Xuân) sắp xếp lại tủ sách pháp luật.

Trưởng phòng PBGDPL Sở Tư pháp Nguyễn Thị Hoa Phượng cho biết: “Việc thay thế tủ sách pháp luật cần phải được thực hiện từng bước, song song với hình thức tuyên truyền qua Internet. Thay vì chỉ đặt tại phòng tư pháp cấp huyện, cấp xã, trước mắt, cần tăng cường bố trí tủ sách pháp luật tại nhà trí tuệ, trung tâm sinh hoạt cộng đồng để tạo cơ hội thuận lợi cho người dân được tiếp cận”.

Theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí 18.5. Tủ sách pháp luật là một trong các chỉ tiêu bắt buộc để đánh giá, chấm điểm xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Ngoài ra, tại Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, tủ sách pháp luật là nơi lưu giữ, quản lý sách, báo, tài liệu pháp luật để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận thông tin pháp luật, hòa giải ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.