Sáng 22/11 (tức ngày mồng 8 âm lịch), UBND thị xã Hồng Lĩnh phối hợp với Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh tổ chức khai hội Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười.
Tham dự khai mạc lễ hội có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Văn Trọng; đại diện một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở TX Hồng Lĩnh...
...cùng đông đảo nghệ nhân, thanh đồng, đạo quan và du khách thập phương về dự lễ.
Lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh đánh trống khai hội Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười năm 2020.
Hằng năm, theo tục lệ của địa phương, để tưởng nhớ công lao của Đức quan ông Hoàng Mười và các vị thần được thờ tại Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười đã có công trong việc trấn giữ và bảo vệ người dân khỏi nạn giặc giã, thiên tai, Nhân dân trong vùng mở lễ hội để tôn vinh công trạng, đồng thời cầu cho đồng bào an lạc, mùa màng tốt tươi. Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 18 - 24/12 (ngày 4 - 10/10 âm lịch) gắn với nhiều hoạt động văn hóa dân gian như các lễ rước Thánh cấp thủy; lễ rước Thánh tuần du; liên hoan thực hành tín ngưỡng tam phủ thờ mẫu người Việt và hội thi gói bánh chưng dâng thánh... |
Sau phần khai hội, BTC lễ hội đã trao thưởng các địa phương đạt giải hội thi gói bánh chưng.
Trước đó, sáng ngày 22/11, hội thi gói bánh chưng dâng thánh được tổ chức với sự tham gia của 6 tổ chức chi hội LHPN phường, xã trên địa bàn. Sau hơn 1 ngày, 1.200 chiếc bánh chưng được gói và nấu đảm bảo yêu cầu về thẩm mỹ, chất lượng - là lễ vật thành tâm thể hiện tấm lòng thành kính và tri ân của Nhân dân Hồng Lĩnh.
Cũng trong buổi khai hội sáng nay, người dân địa phương và du khách tham gia lễ rước Thánh tuần du.
Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ người Việt cũng đã được tổ chức...
... với sự tham gia của hơn 40 thanh đồng trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận...
Giá hầu ông Hoàng Mười - Dinh đô cung chủ
* Trước đó, ngày 21/11, Ban Tổ chức lễ hội Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười tổ chức lễ rước cấp thủy (rước nước).
Lễ rước cấp thủy (rước nước) thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự.
Theo quan niệm xưa kia, nước là một trong những yếu tố hàng đầu để hình thành nên nền nông nghiệp, chi phối mạnh mẽ đến mùa màng, đời sống của người nông dân. Do đó, Nhân dân tổ chức lễ rước cấp thủy với cả tấm lòng thành kính.
Theo truyền thống, trong lễ hội đền Cả - Dinh Đô Quan Hoàng Mười, Nhân dân địa phương tổ chức rước kiệu từ đền Cả - Dinh Đô Quan Hoàng Mười ra ngã ba sông Lam, sông La và sông Minh về thờ Thánh.
Trong không khí vui tươi phấn khởi, lễ rước cấp thủy thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự.
Đoàn rước với trống giong cờ mở ...
...cùng đông đảo Nhân dân tạo nên một không gian lễ hội náo nhiệt.
Người dân tham gia lễ rước cùng đi theo thành hàng dài với mong muốn được tận mắt chứng kiến lễ rước linh thiêng cũng như cầu cho một năm mưa thuận gió hòa.
Đoàn rước cấp thủy thực hiện bằng cả đường bộ...
...và đường thủy.
Đoàn rước đi ra ngã ba sông Lam, sông La và sông Minh - nơi có dòng nước trong mát, thanh tịnh và lấy nước dâng lên Thánh
Theo tư liệu lịch sử và tư liệu truyền ngôn, Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười được các bậc tiền nhân kiến tạo cách đây trên 700 năm, vào thời Nhà Lý. Đền có quy mô kiến trúc đồ sộ, được xây theo lối chữ “Nhất”, là ngôi đền lớn nhất của cả tổng nên được gọi là Đền Cả. Còn tên gọi Dinh đô Quan Hoàng Mười là gọi theo nhân vật thờ chính tại đền. Đền lại được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau giữa ba con sông (sông Lam, sông La và sông Minh), được cả 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất như hình mỏ Hạc nên còn được Nhân dân gọi là đền Mỏ Hạc, hay Mỏ Hạc Linh Từ. |