Cuốn sách Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi. |
"Tôi từng đọc một câu nói rằng: "Xem nào, để khiến cho anh hạnh phúc là chuyện không thể, nhưng tôi có thể viết một điếu văn rất thi vị về những nỗi khổ của anh"". Đó là lời mở đầu của cuốn sách Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi, để rồi từ đây, lần lượt những nỗi buồn u uẩn của năm tháng thanh xuân được lật mở, vừa đắng ngắt, mà lại vừa nên thơ.
Đây không phải một tác phẩm bình thường. Ngay từ tựa đề đã nói lên điều đó. Nó là một cuốn sách bao chứa những cuốn sách khác. Tuổi trẻ ở đây không được dệt nên từ những mối tình dang dở, những cung đường dài mạo hiểm hay những ký ức mơ hồ về một thời nông nổi.
Tuổi trẻ ở đây là những cuốn sách được giấu kín trong ngăn bàn lớp học, những cuốn sách đã cứu lấy những con người năm đó khỏi tiết học tẻ ngắt, và rồi cứu lấy những ngày vô vị mà chúng ta chẳng làm gì ngoài việc để mình già đi.
Tác giả Hiền Trang chọn ra 20 tác phẩm văn học nổi tiếng để bình luận mà không phải bình luận. Thay vì phân tích các tác phẩm theo lối học thuật truyền thống, tác giả để mình đi vào thế giới mộng tưởng như chiếc giếng cũ trong Biên niên ký chim vặt dây cót, vùng hoang mạc của Hoàng tử Bé xuất hiện và biến đi, những góc phố ngoằn ngoèo của Paris trong Phố những cửa hiệu u tối, hay một chiều hè Sa Đéc đổ lửa trong Người tình...
Sự tinh tế của cuốn sách đi sâu hơn với một vài động chạm khẽ khàng vào những câu chuyện thú vị về âm nhạc, về điện ảnh, về hội họa, về vũ trụ, triết học, nhân sinh, và thi thoảng, giữa những đoạn văn dài, tác giả lại ngâm nga một vài đoạn thơ nhẹ bẫng, bâng khuâng của những thi hào thuở trước. Tất cả làm nên 20 đoạn đoản khúc về tuổi trẻ buồn bã nhưng lãng mạn, như chuyển thể những giai điệu thánh thót của dạ khúc Chopin sang câu chữ.
Và mặc dù sự đa cảm của cuốn sách khơi gợi nỗi cô đơn trong suốt giữa thành phố lạnh tanh của những người trẻ lạc lối, nhưng chính nỗi cô đơn ấy lại khiến cho người ta muốn sống thật chậm, sống thật sâu. Bởi vì cho dẫu cuộc sống chỉ là một cơn mơ, ít ra cũng hãy để nó là một cơn mơ đẹp.
Tác giả trẻ Nguyễn Hiền Trang: Năm sinh: 1993 (tuổi 23) – cung Bạch Dương Tốt nghiệp Đại học Ngoạt thương năm 2015. Các công việc đã từng làm: viết lách tự do, biên kịch phim, copywriter. Chủ fanpage Những tác phẩm nghệ thuật kinh điển, bàn về các tác phẩm nghệ thuật kinh điển và đương đại, từ văn học, điện ảnh, cho tới âm nhạc, hội họa. Bắt đầu viết từ khi bước sang tuổi 20. Tháng 9/2015, đoạt giải thưởng văn học Đoàn Thị Điểm cho cuốn sách đầu tiên, truyện dài Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ. Tháng 2/2016, lần đầu rẽ ngang làm biên kịch phim sitcom Phía Tây thành phố, đồng tác giả của cuốn sách thứ hai mang tên Thương. Sở thích: cái đẹp, nỗi buồn, sự kỳ dị. Câu nói ưa thích: "Sống thế nào để khi chết đi, còn biết rằng ai đã chết." |