Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945
Trước hết phải khẳng định rằng, bản Tuyên ngôn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo là thành quả của những sự kết tinh không dễ gì có được. Kết tinh của tinh thần đấu tranh và khát vọng thoát khỏi xiềng xích nô lệ của dân tộc Việt Nam trong suốt 80 năm chịu ách đô hộ của Pháp và hàng nghìn năm phong kiến; kết tinh của giá trị thời đại, cụ thể là những năm đầu thế kỷ XX, thông qua sự thâu nhận của cá nhân Hồ Chí Minh bằng một vốn kiến thức uyên bác. Nói rõ hơn, đó là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại mà đỉnh điểm là nền triết học hiện đại với tinh thần dân chủ, tiến bộ và khoan dung để chuyển tải một cách nhuần nhuyễn vào bản Tuyên ngôn bất hủ. Vì lẽ đó, Tuyên ngôn đã đặt các quyền cơ bản của con người (bình đẳng, tự do, mưu cầu hạnh phúc) xem là “lẽ phải không ai chối cãi được”.
Đó không chỉ là sự viện dẫn văn bản đã có của các nước tiến bộ mà quan trọng hơn, là sự nhận thức đối với người dân Việt Nam về các giá trị hoàn toàn mới (nhất là giá trị dân chủ) mà chỉ có số ít thuộc giới tinh hoa thời ấy nắm bắt được. Đưa học thuyết về phát triển con người, phát triển xã hội vào lời lẽ hướng về đại chúng, chúng ta cũng có thể hiểu tương tự như đưa triết học ra khỏi tháp ngà. Cách lựa chọn ấy quả là chỉ có bậc thiên tài về trí tuệ và lập ngôn mới có thể làm được. Có như thế mới tạo cơ sở để kế tiếp đó, tác giả thay mặt đồng bào, kết tội thực dân Pháp và xây dựng cơ sở để bảo vệ thiết chế mới.
Đi từ những giá trị của cá nhân con người, được triết học phương Tây khẳng định, tác giả của bản Tuyên ngôn đã biện luận “suy rộng ra” hết sức tài tình. Từ quyền cá nhân đến quyền dân tộc, các giá trị bình đẳng, quyền sống, tự do, hạnh phúc đã góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chính vì lẽ đó, GS. Nguyễn Đăng Mạnh đã cho rằng: “Luận điểm ấy có thể xem như phát súng lệnh dõng dạc mở đầu cho phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa nửa sau thế kỷ XX”.
Cũng đi từ các lý lẽ thông thường, bản Tuyên ngôn hướng tới khẳng định: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”. Từ cơ sở đó, Tuyên ngôn đi đến tố cáo thực dân Pháp với 5 tội ác về chính trị, 4 tội ác về kinh tế. Khẳng định các sự thật về tình hình Pháp, Nhật và cuộc đấu tranh của nhân dân, bản Tuyên ngôn phủ nhận hoàn toàn quyền dính líu với Việt Nam của thực dân Pháp; tuyên bố thành lập chính phủ mới và bày tỏ quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền, quyền độc lập. Đó cũng là 2 nội dung cơ bản của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945.
Với cách thức tổ chức lập luận đầy sức thuyết phục, bản Tuyên ngôn đến nay vẫn gây xúc động cho không ít người. Dư âm của những lời Tuyên ngôn vẫn còn vang vọng: “Chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”
So với đầu thế kỷ XX, ngày nay, tình hình thế giới hiện nay đã có nhiều thay đổi. Không còn chủ nghĩa thực dân bành trướng, thay vào đó, hòa bình, hợp tác và phát triển đang là xu thế chủ đạo, chi phối ứng xử của các quốc gia. Trước bối cảnh lịch sử và yêu cầu của thời đại, Việt Nam đang tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế với tư cách là một thành viên nêu cao trách nhiệm với cộng đồng. Trên tinh thần bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng quyền độc lập và dân tộc tự quyết, Việt Nam đã và đang là bạn của nhiều quốc gia trên thế giới, bất luận chính thể khác nhau. Điều đó càng minh chứng quyền bình đẳng giữa các dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong bản Tuyên ngôn là muôn thuở.
Tuy nhiên, cùng với xu thế chủ đạo là hợp tác và hòa bình, thế giới ngày nay vẫn xuất hiện một số tư tưởng cực đoan, gây chiến tranh và chia rẽ dân tộc; một số quốc gia mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ngang nhiên xâm phạm độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của các nước khác, bất chấp bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế. Nhiều năm qua, Trung Quốc đã ráo riết thực hiện âm mưu biến biển Đông thành “ao nhà”, gây mất ổn định khu vực, đe dọa hòa bình, hợp tác và phát triển. Tình hình đó càng khiến chúng ta nhớ lại những lời lẽ hùng hồn, những lập luận đanh thép trong bản Tuyên ngôn bất hủ năm 1945. Lý lẽ mà các dân tộc cũng như những con người khác nhau cần phải tuân theo đó là, tôn trọng quyền tự do, bình đẳng, độc lập để cùng đoàn kết và phát triển.
Để bảo vệ quyền độc lập linh thiêng, trong lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải chống lại nhiều thế lực xâm lược hùng mạnh và tàn bạo. Đó là những bài học quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay và mai sau. Tuy nhiên, dưới tư duy của thời đại, Đảng và Chính phủ cần các giải pháp xây dựng quốc gia vững mạnh trên các trụ cột về vốn kinh tế, vốn văn hóa, vốn xã hội. Trong đó, phải chú trọng bổ sung vốn xã hội để thiết lập sự vững mạnh từ bên trong mà mấu chốt là niềm tin trong xã hội, tinh thần đoàn kết, khai khác các khả năng của con người.
Sự độc lập, quyền tự quyết, tính tự chủ của một con người có can hệ sâu sắc tới sức mạnh đoàn kết của tập thể, rộng hơn là của quốc gia. Giải phóng tư duy ấy trên cái chân đế sự bình đẳng như Tuyên ngôn độc lập năm 1945 nêu là một căn cứ quan trọng để xây dựng quốc gia vững mạnh, lấy nội lực để đấu tranh bằng luật pháp, lẽ phải trước những âm mưu từ bên ngoài tác động đến quyền chủ quyền của dân tộc. Thiết nghĩ, đó cũng là điều quan trọng mà mỗi chúng ta cần nhận thức trong quá trình học tập và làm theo Bác theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW song song với học tập về đạo đức, phong cách của Người.