Dù ai đá cặp với Quế Ngọc Hải ở trung tâm hàng thủ của tuyển Việt Nam thì yếu tố quyết định hiệu quả phòng ngự của đội tuyển là khả năng phòng ngự tập thể của chúng ta ra sao chứ không phải đơn thuần là chuyện Tiến Dũng (nhiều khả năng được chọn) hoặc Tiến Thành đá cặp trung vệ với Quế Ngọc Hải thế nào.
Thực tế thì không một cá nhân nào ở hàng thủ của Việt Nam thực sự xuất sắc trong phòng ngự nên chúng ta phải bù đắp cho hạn chế trong phẩm chất cá nhân của các hậu vệ bằng lối chơi phòng ngự tập thể, trong đó các tiền vệ bắt buộc phải giữ một cự ly đủ gần với hàng phòng ngự để kịp thời lùi về hỗ trợ khi cần thiết.
Vũ Minh Tuấn, Lê Văn Thắng, Nguyễn Công Phượng… tất cả đều là những cơn đau đầu của HLV Hữu Thắng khi ông không thể đưa họ vào sân và phát huy sở trường học trò. Nhưng biết đâu, “cái khó sẽ ló cái khôn”...
Nhưng ngay cả khi đã chơi phòng ngự tập thể, nguy cơ tuyển Việt Nam thủng lưới trên đất Indonesia là không nhỏ. Lí do? Ngoài việc chúng ta chơi phòng ngự chưa thực sự kín kẽ ở vòng bảng dù đối thủ không quá mạnh thì cần lưu ý rằng Indonesia, ngoài những lợi thế về sân bãi, khán giả, thời gian hồi phục, còn tấn công rất lợi hại. Đội bóng của Alfred Riedl đã ghi 6 bàn thắng ở vòng bảng vào lưới những Thái Lan, Philippines, Singapore (mỗi đội 2 bàn).
Đó là những đối thủ còn mạnh hơn những đội Việt Nam đã vượt qua ở bảng B của AFF Cup năm nay. Đá sân nhà, được khán giả nhà cổ vũ cuồng nhiệt, được nghỉ nhiều hơn Việt Nam 1 ngày lại sở hữu nhiều cầu thủ vốn có nền tảng thể lực, tốc độ tốt, không ngạc nhiên nếu Indonesia ghi được bàn thắng vào lưới tuyển Việt Nam vốn vẫn tồn tại nhiều vấn đề trong khâu tổ chức và hỗ trợ phòng ngự chứ không hẳn là chuyện HLV Hữu Thắng mất trung vệ Đình Luật vì án phạt.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng ở bán kết áp dụng luật bàn thắng sân khách nên nếu đội tuyển Việt Nam phá lưới đối thủ thành công thì sẽ càng có lợi thế ở bán kết lượt về. Việc chúng ta đá bán kết lượt đi trên sân khách trước đã là một lợi thế. Và cho dù mọi so sánh chỉ là tương đối nhưng không khó để nhận thấy là việc Việt Nam chọc thủng lưới Indonesia ngay trên sân khách khả thi hơn so với việc giữ sạch lưới ngay tại sào huyệt của họ.
Nguy cơ Việt Nam khó sạch lưới ở trận bán kết lượt đi chúng ta đã đề cập. Nhưng khả năng chúng ta phá lưới Indonesia là không nhỏ. Lí do? Đội bóng của Alfred Riedl vốn phòng ngự không tốt. Họ mắc lỗi phòng ngự khá nhiều và để cả Thái Lan (4 lần), Singapore (1), Philippines (2) chọc thủng lưới ở vòng bảng.
Hơn nữa, ở trận bán kết lượt đi này, Indonesia mất nguyên cặp trung vệ đá chính Fachrudin Aryanto và Rudolof Basna cũng vì án treo giò nên nguy cơ hàng thủ của họ bị xuyên thủng càng lớn hơn. Dù ngay chính Fachrudin Aryanto và Rudolof Basna cũng chơi không tốt nhưng rõ ràng họ phải là lựa chọn tốt nhất sẵn có thì ông Riedl mới xếp đá chính suốt 3 trận vòng bảng thay vì chuyển sang những lựa chọn khác. Nay họ vắng mặt thì HLV người Áo bắt buộc phải xáo trộn hàng thủ bằng những cầu thủ mà ông vốn không định sử dụng. Sự vắng mặt của bộ đôi trung vệ chủ chốt bên phía Indonesia có thể là gợi ý cho chúng ta tăng cường tấn công trung lộ để tìm kiếm cơ hội tiếp cận khung thành đối thủ.
Rõ ràng, hy vọng có bàn thắng trên sân khách gia tăng với tuyển Việt Nam. Đó là mục tiêu quan trọng nhất chúng ta cần đạt được và rất có thể sẽ đạt được. Cần nhấn mạnh là ngay cả khi giữ được sạch lưới ở bán kết lượt đi thì Việt Nam vẫn cần ghi bàn mới có hy vọng vào chung kết. Mà nếu ghi được bàn thắng ở sân khách thì chúng ta càng có lợi thế tâm lý và càng chủ động hơn trong lối chơi ở bán kết lượt về khi Đình Luật trở lại cùng lợi thế sân nhà, khán giả nhà tạo nên sự cộng hưởng mang đến càng nhiều thuận lợi cho Hữu Thắng và các cầu thủ.