Tỷ lệ người trẻ đột quỵ ngày càng tăng

Nhiều người trẻ khá chủ quan, không hề quan tâm tiền sử bệnh lý, kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống thiếu lành mạnh... là những nguyên nhân có thể dẫn đến đột quỵ.

Mới đây, chị Đ.N.B. (31 tuổi, Quảng Ninh) cho biết có thể đã gặp cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA).

Chia sẻ với Zing, chị B. cho hay khi trên xe khách từ Quảng Ninh lên Hà Nội, chỉ còn vài km nữa là đến địa điểm cần xuống. Người lái xe ngồi ngay bên cạnh chị B. bắt đầu hỏi lại về số nhà, điểm đến. Khi B. đang định trả lời, mắt chị tối sầm xuống.

“Phải mất một lúc mới nhận ra là mình vẫn chưa trả lời, tôi bắt đầu nghe tiếng anh lái xe giục giã, hỏi đi hỏi lại mình. Khi đó, tôi không thể nào mở được miệng ra, cố gắng một lúc mới nói được 2 chữ không rõ ràng”Đỗ Quang“là điểm đến. Tôi cố cử động ngón chân, ngón tay nhưng không nhấc được lên. Cổ cũng đau nhói, đầu nặng”, B. kể lại.

Người phụ nữ này cho hay đã cố giữ bình tĩnh, hít thở thật chậm và sâu. Sau đó, chị bắt đầu cảm nhận được có cánh tay của người lái xe đang lay mình. Khoảng hơn một giờ sau, cơ thể chị B. mới trở lại bình thường.

“Các triệu chứng diễn ra nhanh, chỉ trong vài phút nhưng khiến tôi rất hoang mang và lo sợ”, chị B. nói.

Người đột quỵ đang trẻ hóa

Theo BSCKI Nguyễn Hữu Khánh, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, những triệu chứng của chị B. có thể được xếp vào cơn thiếu máu thoáng qua (TIA). Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt một số bệnh lý khác như cơn giả hạ canxi máu (cơn tăng thông khí).

Tỷ lệ người trẻ đột quỵ ngày càng tăng

Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có các triệu chứng lâm sàng “thoáng qua” nhưng là yếu tố chỉ điểm nguy cơ cao gây đột quỵ não thực thụ. Ảnh: Healthone.

Cơn TIA sẽ giống với triệu chứng của tắc mạch máu não (nhồi máu não), nhưng chỉ thoảng qua trong khoảng một giờ đổ lại. Các triệu chứng gồm: Đột ngột nói đớ (ú ớ, không rõ âm), méo miệng thoáng qua, yếu tay chân một bên, mất ngôn ngữ trôi chảy hoặc thông hiểu, tê hoặc mất cảm giác một bên nửa người. Đây là các triệu chứng chính. Như ở tình huống trên, bệnh nhân đột ngột nói ú ớ hay gọi là mất ngôn ngữ trôi chảy, còn thông hiểu tốt.

“Để xác định rõ ràng, tôi cần hỏi lại xem bệnh nhân này có cảm giác yếu một bên, bị chóng mặt, tê quanh môi lưỡi, tay chân, toàn thân hay không. Ngoài ra, bác sĩ cũng cần khai thác những bệnh nền sẵn có như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu...”, bác sĩ Khánh nói.

Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có các triệu chứng lâm sàng “thoáng qua” nhưng là yếu tố chỉ điểm nguy cơ cao gây đột quỵ não thực thụ. Do vậy, bệnh nhân cần được xử trí sớm và khảo sát các yếu tố nguy cơ để có kế hoạch điều trị dự phòng tốt.

Theo vị chuyên gia này, những người đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh chủ yếu vẫn xoay quanh người có bệnh nền như tăng huyết áp tiềm ẩn, đái tháo đường mới, rối loạn lipid máu gây ra xơ vữa động mạch.

Đồng quan điểm, BS Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho rằng tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm. Trong đó, số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Thậm chí, không ít trường hợp trong độ tuổi thanh thiếu niên bị đột quỵ não.

BSCKI Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM, cho biết trong vài năm gần đây, bình quân cứ 4-5 bệnh nhân đột quỵ nhập viện, một trường hợp là đột quỵ người trẻ. Đây là con số đáng báo động.

Vì sao người trẻ cũng đột quỵ?

Theo bác sĩ Khoa, thống kê hàng năm cho thấy số lượng người trẻ bị đột quỵ trên thế giới tăng dần đều trong vòng 3 thập niên trở lại đây. Một lý do quan trọng đến từ áp lực công việc ngày càng cao, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, chế độ ăn uống và vận động thiếu khoa học ở người trẻ.

“Những điều này khiến tuổi khởi bệnh của một số bệnh lý vốn là các yếu tố nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu ngày càng trẻ hóa”, bác sĩ Khoa nói.

Theo vị chuyên gia này, thực tế cho thấy rất nhiều người trẻ khá chủ quan, không hề quan tâm tiền sử bệnh lý, bị đột quỵ nhập viện mới ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ thông báo mình mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… trong thời gian dài trước đó.

“Tiến bộ của y học suốt hàng chục năm qua tuy đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh nhưng đột quỵ vẫn là thách thức lớn cho sức khỏe cộng đồng”, phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ.

Tỷ lệ người trẻ đột quỵ ngày càng tăng

Nhiều người trẻ khá chủ quan, không hề quan tâm tiền sử bệnh lý. Ảnh: Thepaper.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh cũng cho rằng những bệnh lý “thời đại” này một phần do chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng như ăn mặn, nhiều mỡ, ít vận động, ngủ ít... Ngoài ra, đột quỵ cũng có thể gặp ở những người có bệnh lý tim mạch từ trước (rung nhĩ hoặc bệnh thận mạn tính). Một số ít mới gặp ở những người mắc bệnh lý hiếm gặp như lupus ban đỏ, tăng đông máu (hội chứng kháng phospholipid, phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai lâu dài gây tăng đông máu - tỷ lệ rất thấp).

Những việc cần làm để phòng đột quỵ khi còn trẻ

Theo các chuyên gia, người trẻ cần thiết lập cho mình môi trường sống thoải mái về tinh thần lẫn thể chất, chế độ ăn uống khoa học (giảm mặn, giảm tinh bột, giảm béo, tăng cường rau xanh và trái cây), tăng thể dục thể thao, bỏ hẳn thuốc lá, hạn chế bia rượu, không sử dụng ma túy.

Ngoài ra, người dân nên thay đổi biện pháp ngừa thai nếu nghi ngờ thuốc đang uống liên quan tới đột quỵ. Đặc biệt, người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Bác sĩ Khánh khuyến cáo dù người trẻ hay già cũng nên được khám tổng quát đo huyết áp, xét nghiệm máu thường quy, đo điện tim, siêu âm bụng... mỗi 6-12 tháng. Nếu gia đình có cha mẹ, ông bà đều bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bạn cũng nên tầm soát sớm. Bạn có thể làm thêm một số siêu âm đặc biệt như siêu âm động mạch cảnh, đốt sống để đánh giá tình trạng xơ vữa mạch máu lên não.

Khi bị có cơn TIA, bệnh nhân cần bình tĩnh, hít thở sâu, vẫy gọi người xung quanh hoặc gọi điện thoại cho người thân đưa vào cấp cứu ngay. Bệnh nhân tuyệt đối không trì hoãn bằng chích nặn máu 10 đầu ngón tay như trên mạng hay lan truyền. Hành động đó làm chậm trễ thời gian đi cấp cứu.

“Cơn TIA sẽ tự hết trong vòng một giờ. Tuy nhiên, đó là báo hiệu của đột quỵ và không chờ đợi xem một giờ sau có hết triệu chứng không mà cần đi bệnh viện ngay và tầm soát kỹ”, bác sĩ Khánh nói.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m.
Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết xuất hiện quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa gây cảm giác rất khó chịu cho người bệnh. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Chế độ ăn cho người bệnh suy giáp bẩm sinh

Chế độ ăn cho người bệnh suy giáp bẩm sinh

Với bệnh nhân suy giáp bẩm sinh, ngoài việc tuân thủ dùng thuốc theo phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng đối với chức năng tuyến giáp, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tin mới nhất về cơn bão Toraji

Tin mới nhất về cơn bão Toraji

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau có khả năng đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km.
Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do tác động của Toraji, từ đêm 10/11, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12.