Trong video phỏng vấn dài gần 4 phút với hãng thông tấn nổi tiếng của Mỹ, ông Vượng lạc quan khi nói về những khó khăn và tương lai của hãng xe điện VinFast tại Việt Nam và trên quy mô toàn cầu. Buổi phỏng vấn được thực hiện tại văn phòng của Vingroup ở Hà Nội.
VinFast bắt đầu sản xuất ôtô hơn 5 năm trước, nhưng hãng đang vấp phải loạt cạnh tranh đến từ Tesla hay Hyundai khi bước chân vào thị trường Mỹ. Hãng cũng đang triển khai kế hoạch vào thị trường Ấn Độ và Indonesia.
Trả lời câu hỏi ông sẽ đầu tư cho VinFast đến bao giờ, ông Vượng nói "cho đến khi tôi hết tiền thì thôi", đồng thời tự tin có thể lèo lái đưa VinFast vượt qua những khó khăn, bất chấp việc Toyota hay Volkswagen đang gặp khó trên toàn cầu. VinFast niêm yết sàn chứng khoán Mỹ tháng 8 năm ngoái, giá cổ phiếu tăng 700% trong 2 tuần đầu. Tuy hiện nay giá cổ phiếu này đã giảm, tỷ lệ thả nổi khoảng 2%, song vị tỉ phú sở hữu khối tài sản khoảng 5,3 tỷ USD cho rằng "không vội tăng tỷ lệ thả nổi".
"Chúng tôi không quan tâm đến giá cổ phiếu vào lúc này và không vội vàng đưa thêm cổ phiếu ra thị trường. Tỷ lệ thả nổi không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư lớn và dài hạn", ông Vượng giải thích.
VinFast đang đối mặt với nhiều thách thức để trở thành thương hiệu thành công trên phạm vi toàn cầu. Các hãng xe điện Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu xe điện giá rẻ và Tesla đang giảm giá xe. Hãng xe điện Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức ở Mỹ khi chỉ giao 9.689 xe trong quý 1 năm nay, đạt khoảng 10% trong tổng kế hoạch dự kiến 100.000 xe.
Nhà phân tích Ken Foong của Bloomberg Intelligence nhận định VinFast cần xây dựng thương hiệu và cạnh tranh với các đối thủ lớn. "Sẽ không dễ để thành công tại Mỹ. Điều đó đòi hỏi nhiều thời gian và tiền đầu tư", ông nói. Vingroup, các công ty thành viên và các tổ chức tài chính đã cung cấp cho VinFast khoảng 12,9 tỷ USD từ năm 2017 đến tháng 3 năm nay. VinFast đang xây nhà máy ở North Carolina, đã khởi công ở Ấn Độ và có kế hoạch xây nhà máy ở Indonesia.
Trong video phỏng vấn, ông Vượng thể hiện sẽ không chùn bước trước những thách thức mà VinFast đang đối mặt. Ông cho biết mỗi sáng đều thức dậy và chơi cùng các cháu. "Tôi ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và không lo lắng gì", ông nói. "VinFast sẽ sớm đạt điểm hòa vốn và có thể tự chủ".
Chủ tịch Vingroup khẳng định việc thúc đẩy mạnh mẽ VinFast nhằm đưa ngành sản xuất của Việt Nam lên tầm quốc tế bởi "VinFast không chỉ là một dự án kinh doanh, mà còn là một dự án cống hiến". Ông cho biết hãng xe điện Việt Nam không làm xe giá rẻ, mà tập trung vào những sản phẩm có giá hợp lý, đúng với giá trị thực.
Về kế hoạch tại Mỹ, theo ông Vượng, doanh thu năm nay tại đây sẽ tăng 30-40 lần, đồng thời đà tăng sẽ duy trì trong 5 năm tới. Chiến lược hiện nay của VinFast là phát triển mạng lưới đại lý để tăng doanh số bán hàng, đồng thời triển khai tiếp thị trực tiếp để khách hàng tự mình trải nghiệm xe.
Kết thúc quý I, VinFast đạt doanh số ôtô điện đứng thứ 23 thị trường Mỹ. Trong quý này, người Mỹ mua 268.909 xe điện mới, theo Kelly Blue Book (KBB), công ty danh tiếng hàng đầu Mỹ về đánh giá, định giá và nghiên cứu thị trường ngành ôtô. Doanh số quý ba tháng đầu năm nay của VinFast tại Mỹ là 927 xe, và toàn bộ là VF 8 - mẫu xe gầm cao hạng D. Tại Mỹ, VF 8 có giá khoảng từ 47.000 USD.
Hiện VinFast nắm 0,3% thị phần xe điện Mỹ sau quý I. So với cùng kỳ năm ngoái doanh số hãng xe Việt tăng mạnh tới 743%, bởi mới chỉ chuyển xe tới Mỹ từ cuối 2022.