Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ông "bất ngờ" khi các Bộ "nói ngược" về Luật Quy hoạch khi Luật này trình ra TVQH
Tuy nhiên, ngay khi lần thứ 2 được đem ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 6 lần này, nhiều đại diện các Bộ, ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên- Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công thương… đều nêu ra những ý kiến trái chiều, không đồng nhất với dự thảo Luật Quy hoạch.
Trước những ý kiến đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn nhận định, Luật do Chính phủ trình ra nhưng Bộ nào cũng còn ý kiến bức xúc chứng tỏ "Luật chưa ổn".
“Nếu làm luật thế này thì chất lượng không đảm bảo. Chính phủ trình nhưng rõ ràng từng thành viên Chính phủ chưa thống nhất với nhau”, Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý phải lắng nghe các ý kiến khác nhau trong quá trình làm luật, đồng thời nhấn mạnh Dự thảo luật còn thiếu một nguyên tắc rất quan trọng là để nhân dân tham gia đòng góp ý kiến.
Cùng nhận định, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng Luật này nhiều lần được đưa ra nhưng lần nào cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Ông Hiển cũng thông tin, trong hồ sơ, duy nhất chỉ có Bộ trưởng Bộ Xây dựng thể hiện rõ không đồng tình, các Bộ khác đều đồng tình nhưng không hiểu sao khi ra Thường vụ Quốc hội lại có nhiều ý kiến khác nhau. “Luật vẫn còn ngổn ngang lắm, đưa ra như thế này chưa yên tâm”, ông Hiển lo lắng.
Tỏ ra bất ngờ trước sự không đồng tình của một số Bộ, Bộ trưởng Bộ kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giãi bày, sáng nay, ông đi họp với một tinh thần rất sảng khoái vì nghĩ rằng Luật đã có được sự đồng thuận cao từ các Bộ, nhưng không ngờ lại phải nghe nhiều ý kiến “nói ngược” thế này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước hết cần thống nhất lại nguyên tắc làm việc. “Chính phủ bàn rất nhiều luật, trong đó có Luật quy hoạch, sau khi bàn bạc cuối cùng là lấy phiếu, đầy đủ điều kiện mới trình ra Quốc hội. Khi trình ra đến Quốc hội rồi thì các ý kiến không chính thức của Chính phủ chỉ để tham khảo. Chứ trình ra rồi mà các Bộ ngành lại nói ngược, nói khác là trái nguyên tắc làm việc, như vậy không bao giờ làm được cả”, ông Dũng nói và cho biết, Thủ tướng đã từng phê bình các Bộ về việc này, bởi theo ông Dũng, đây là cách làm “đẽo cày giữa đường”, bàn chán rồi khi ra Quốc hội lại nói ngược.
Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, trước một sự thay đổi phù hợp với xu thế, giải quyết bất cập thì chắc chắn sẽ tạo ra sự đụng chạm vì quyền lợi, lợi ích của một cơ quan hay một nhóm người nào đó. Có thể cơ quan đó, nhóm người đó chưa hiểu hết nên chưa đồng tình tích cực gây nên sự trì trệ, chậm chạp. Nhưng cũng có thể vì sự thay đổi làm ảnh hưởng một chút đến công việc của họ nên họ không muốn thay đổi.
“Nếu ở các nước làm luật là do một cơ quan riêng biệt độc lập, không bị chi phối bởi ai thì ở ta luật do các cơ quan làm, các cơ quan chỉ chủ yếu xem có ảnh hưởng gì đến cơ quan của mình hay không, ảnh hưởng lợi ích của mình hay không chứ ít theo hướng thay đổi để tốt cho xã hội hơn”, ông Dũng thẳng thắn.
Dẫn chứng Luật quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quan điểm cần giảm bớt các quy hoạch nhưng một số Bộ lại cứ muốn giữ lại, dẫn đến mỗi Bộ một ý kiến.
Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng hết sức ngạc nhiên khi thấy còn nhiều ý kiến khác nhau về luật này. “Thế này thì rất băn khoăn và có gì đó chưa ổn nên các ngành phản đối, giờ các ngành cần ngồi lại với nhau để tìm ra cái chung”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhận định, ý tưởng về Luật quy hoạch là tốt. Theo ông, quy hoạch tổng thể quốc gia như một anh nhạc trưởng, tất cả quy hoạch khác đều phải nằm dưới sự điều hành của anh nhạc trưởng này thì mới thành công được. Đến giờ này Bộ này bộ kia còn ý kiến là không được.
Chốt lại vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Luật này ra đời phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, phân tán và rất lãng phí trong quy hoạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tiếp tục hoàn thiện Luật để sớm trình ra Quốc hội, làm sao để tạo được sự đồng thuận cao chứ không thể để còn những ý kiến mâu thuẫn.