Từ những ý tưởng đẹp của 2 giám đốc bệnh viện
Giờ đây, nhiều người đã hài lòng khi bước vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh, bởi ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, cán bộ, nhân viên (CBNV) bệnh viện còn tiếp đón người bệnh với nụ cười thân thiện, yêu thương. Đã từng chứng kiến những bước thăng trầm của đơn vị này, tôi mới thấm thía rằng: văn hóa chính là “chìa khóa” để tạo nên một môi trường xanh - sạch - đẹp ở công sở, một sự hài hòa giữa chủ thể và khách thể.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh tập trung xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Bác sĩ Nguyễn Viết Đồng - Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Để tạo cho mỗi CBNV có ý thức xây dựng nếp sống văn hóa, bản thân người lãnh đạo phải luôn tự nhắc mình sống có văn hóa đã. Cổ nhân đã dạy: “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Tôi cho rằng, đây chính là lời khuyên mang tính giáo dục cao. Lời ăn, tiếng nói chính là kỹ năng sống. Muốn rèn cho CBNV có kỹ năng sống tốt với người bệnh và các mối quan hệ xã hội, bản thân giám đốc phải có kỹ năng sống tốt. Lời ăn tiếng nói phải không phàm tục, thể hiện tính chân thật, cởi mở, luôn biết kiềm chế sự nóng nảy, đó cũng là yếu tố quan trọng trong hình thành nhân cách sống có văn hóa”.
Thật vậy, đối với bác sĩ Nguyễn Viết Đồng, lời nói của ông luôn gắn với hành động, đó là một lịch trình rõ ràng, một phương án cụ thể. Trong xây dựng văn hóa công sở, qua nhiều năm kiên trì, ông đã rèn luyện, tạo cho cả tập thể nét đẹp văn hóa với những bộ y phục lịch sự, từng lời ăn tiếng nói niềm nở, từng cử chỉ quan tâm hướng dẫn và dặn dò bệnh nhân. Cao hơn nữa là những nghĩa cử giúp đỡ bệnh nhân nghèo, sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh qua cơn nguy kịch... Nhờ có ý thức văn hóa nên cả BVĐK Hà Tĩnh đã chung sức xây dựng cảnh quan, thường xuyên quản lý và bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh.
Y bác sỹ BVĐK tỉnh đón người bệnh với nụ cười thân thiện, yêu thương.
BVĐK thành phố Hà Tĩnh cũng là một đơn vị mẫu mực về nếp sống văn hóa nơi công sở. Bác sĩ Trần Nguyên Phú - Giám đốc bệnh viện chia sẻ: “Nói tới văn hóa là nói tới phạm trù đạo đức. Bởi theo tôi, việc xây dựng văn hóa ở công sở, trường học hay gia đình đều hướng tới “chân, thiện, mỹ”. Nếu ở đơn vị nào biết xây dựng và phát huy được 3 chữ ấy, thì ở đấy sẽ có một môi trường văn hóa lành mạnh”.
Trong cuộc sống đời thường, bác sĩ Trần Nguyên Phú không chỉ là người có lối sống giản dị, dễ gần, có tâm hồn nghệ sĩ mà anh còn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thành công nổi bật của BVĐK thành phố Hà Tĩnh trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhiều năm qua là nhờ người giám đốc biết lấy văn hóa làm “trục xoay” cho mọi công việc. Ngoài việc đưa những quy chuẩn về xây dựng nếp sống văn hóa trong bệnh viện, bác sỹ Trần Nguyên Phú thường khuyên mọi người phải biết sống trung thực và có lòng tự trọng, biết tiếp thu phê bình. Giám đốc Trần Nguyên Phú đã làm nổi bật đơn vị mình bằng 3 việc lớn: xây dựng quỹ ủng hộ bệnh nhân có hoàn cảnh rủi ro đặc biệt, xây dựng bếp ăn tình thương, xây dựng thư viện bệnh nhân. Anh quan niệm, xây dựng nếp sống văn hóa trong đơn vị là xây dựng độ bền vững của chữ Tâm, bởi vì Tâm sáng thì mới yêu nghề và thương người bệnh, gạt qua những tính toán ích kỷ cá nhân.
Đến nếp sống văn hóa ở Bảo hiểm xã hội tỉnh
Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh cũng có một đặc thù khá giống với nghề y là “làm dâu trăm họ”, bởi những người làm công tác này phải tiếp xúc và làm thủ tục cho nhiều đối tượng, liên quan đến chính sách xã hội như chế độ lương hưu, thai sản, bảo hiểm y tế, tai nạn lao động... Nhân viên các ban, phòng áp lực công việc lớn, hồ sơ nhiều, do vậy, cần phải rèn luyện kỹ năng sống có văn hóa.
Theo Giám đốc Hoàng Văn Minh: “Muốn cả tập thể sống có văn hóa, người đứng đầu phải biết cụ thể hóa những tiêu chuẩn văn hóa mà để nội bộ luôn đoàn kết, công việc hoàn thành, khách hàng quý mến và tin tưởng”.
Ông Hoàng Văn Minh chia sẻ: “Giáo dục văn hóa trong công sở không phải giám đốc dùng mệnh lệnh hành chính mới thành công mà phải “lạt mềm buộc chặt” bằng sự thuyết phục, nhắc nhở. Chẳng hạn, một nhân viên đi họp muộn giờ hay trong lúc làm việc không đeo phù hiệu, tôi gặp riêng hỏi để họ trình bày lý do. Khi họ biết nhận lỗi thì lần sau không tái phạm nữa”.
Từ sự chuẩn mực của giám đốc trong ăn mặc, nói năng, đi đứng đã trở thành sự cộng hưởng về ý thức văn hóa tập thể. Hầu hết mọi người khi đến với Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh đều cảm nhận rõ một điều: ở đây ai cũng nói năng lịch sự, hướng dẫn cho khách chu đáo. Trong giờ làm việc, từ bác bảo vệ đến cô văn thư đều ăn mặc chỉnh tề, đúng trang phục quy định. Một nét đẹp văn hóa được nhiều người tự nguyện thực hiện như bỏ hút thuốc lá, không uống rượu bia trong ngày làm việc, giữ gìn vệ sinh, tích cực tham gia hoạt động thể thao, văn nghệ.
... và trách nhiệm của người đứng đầu
Từ một số điển hình trên cho thấy, ở đâu người đứng đầu có ý thức xây dựng văn hóa thì ở đấy công sở sẽ văn minh. Tập thể nào sống có văn hóa thì ở đấy “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”. Đặc biệt khi văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức, họ sẽ có những hoạt động có ích cho xã hội. Đơn vị sống có văn hóa thì không khí dân chủ, lời nói trung thực, ý thức đấu tranh phê bình và tự phê bình được nâng lên; những điều không tốt đẹp sẽ được đẩy lùi. Tuy nhiên, thực tế văn hóa công sở, những điển hình, những mẫu hình đáng nêu gương ở tỉnh ta vẫn chưa nhiều.
Xây dựng văn hóa công sở không chỉ đẹp về hình thức bên ngoài mà cái cơ bản nhất là phần bên trong, đó là tố chất của con người, thể hiện bằng kỹ năng sống ở từng cá nhân; là hiệu quả công việc. Một “con sâu” có thể “làm rầu nồi canh”, một cá nhân suy thoái về đạo đức thì sẽ làm mất uy tín của cả tập thể. Tập thể mạnh là tập thể luôn lấy văn hóa làm tiền đề để xây dựng nhân cách cho mọi người. Người đứng đầu phải sống có kỷ cương, có văn hóa thì mới xây dựng được văn hóa công sở.