Xây dựng, phát triển văn hóa Đảng là nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ảnh: laodong.vn |
Gần đây, nhân tổng kết 15 năm thực hiện NQ T.Ư 5 (Khóa VIII) và NQ 11 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIV), các cấp ủy Đảng tiếp tục khẳng định phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực tế đã đặt ra cho Đảng ta một phương thức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa. Khi đem vấn đề này trao đổi với nhiều cán bộ, đảng viên, đồng chí Q, đảng viên lão thành, khẳng định:
- Phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Văn hóa Đảng là một bộ phận của văn hóa Việt Nam bắt nguồn từ nền văn hóa lâu đời của dân tộc, là một bộ phận văn hóa tiên tiến. Để dẫn dắt, lãnh đạo nền văn hóa dân tộc, văn hóa Đảng trước hết phải xuất phát từ nền văn hóa dân tộc, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với tiếp thu kịp thời, nhanh nhạy tinh hoa văn hóa nhân loại và xu hướng phát triển mới, tiến bộ của thời đại. Xây dựng văn hóa Đảng là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng có trình độ văn hóa cao hơn, giải quyết các mối quan hệ thấu lý đạt tình, thắm đượm tình người, giàu tính nhân văn và sống có văn hóa.
Thấy đồng chí Q dừng lại, đồng chí M tiếp lời:
- Tôi đồng ý như đồng chí Q vừa nói. Đảng ta là một Đảng có văn hóa cao ngay từ khi mới ra đời. Trải qua các thời kỳ cách mạng, các giá trị văn hóa của Đảng ta ngày càng được sinh sôi, tỏa sáng, dẫn dắt dân tộc đi đến con đường tiến bộ, văn minh, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tính văn hóa của Đảng ta không chỉ biểu hiện ở sự đúng đắn, sáng suốt của những đường lối, chủ trương, mà còn biểu hiện ở sự gương mẫu, tiên phong, lối sống, phẩm chất đạo đức trong sáng của từng đảng viên.
Xây dựng văn hóa Đảng trong giai đoạn hiện nay phải tập trung ngăn chặn cho kỳ được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như NQT.Ư 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã đề ra. Nói văn hóa là mục tiêu, động lực, nền tảng tinh thần của xã hội thì văn hóa Đảng càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Đảng và xã hội. Từ đó có thể khẳng định: xây dựng, phát triển văn hóa Đảng là nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách có hiệu quả!