Bộ đội - hai tiếng thân thương được Nhân dân Việt Nam mến gọi người lính từ thuở mới ra đời lực lượng này trong thời kỳ đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp. Cho đến nay, dù đã có thêm rất nhiều lực lượng khác của Quân đội nhân dân thì với người Việt, họ vẫn là bộ đội. Trên thế giới có lẽ cũng không có nhiều đất nước như Việt Nam khi hình ảnh người lính luôn gắn liền, gần gũi với Nhân dân và luôn được coi là hình mẫu của con người trong thời đại mới. Hình tượng người lính, vì thế, cũng mãi mãi là đề tài không bao giờ cạn trong sáng tác văn học nghệ thuật.
Ngày 22/12/1944 ,tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân chính thức làm lễ thành lập. (Ảnh tư liệu)
Là con, cháu trong một gia đình có nhiều thế hệ là người lính, chẳng cần đợi đến dịp 22/12, trong lòng tôi lúc nào cũng vang mãi khúc quân hành. Những câu chuyện chiến chinh mà cha và các chú tôi thường kể trong những dịp sum họp đã chạm khắc vào lòng tôi một tình yêu, sự kính trọng đối với bộ đội. Thế hệ của cha, chú tôi chính là thế hệ dựng nước và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Còn thế hệ bộ đội hôm nay là lực lượng bảo vệ và xây dựng đất nước.
Thường, vào những dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân, cha tôi ít khi tham gia các cuộc gặp gỡ đồng đội bởi sức khỏe của ông không cho phép. Và ông có cách trở lại với ký ức chiến tranh, gặp gỡ đồng đội của mình bằng việc lần giở những kỷ vật, đọc lại từng trang lưu bút của đồng đội. Những nét chữ nghiêng nghiêng trên trang giấy nâu như vẫn còn nóng hổi khí thế, quyết tâm và tình cảm sâu đậm của một thế hệ cùng vào sinh ra tử trong chiến tranh. Đúng như Tố Hữu đã viết: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Thanh niên Hà Tĩnh đã náo nức lên đường nhập ngũ.
Tôi đã lớn lên cùng những hồi tưởng của cha. Tâm hồn và suy nghĩ cũng được “tắm táp” trong những lý tưởng, việc làm của một thế hệ đã từng dâng trọn thanh xuân cho Tổ quốc. Cha tôi chưa bao giờ nói với tôi về tình yêu Tổ quốc của ông, chưa bao giờ dạy tôi phải yêu đất nước như thế nào. Những câu chuyện của ông, tự thân đã là một bài học vô cùng lớn đối với tôi. Và tôi nghĩ, rất nhiều bạn bè tôi cũng đã lớn lên như thế, yêu nước bằng cách như thế… Sau này, đọc những câu thơ của Chính Hữu tôi mới thấy đó chính là hình ảnh của cha tôi và đồng đội của ông: “Quê hương anh nước mặn, đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau/ Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ/ Đồng chí!”.
Có lẽ cũng bởi một thế hệ đã không tiếc tuổi xuân trong chiến tranh mà hôm nay, bộ đội thời bình cũng luôn thầm lặng hiến dâng tài năng, trí tuệ cho đất nước. Họ, tùy lĩnh vực mà có những cống hiến riêng. Người bộ đội hôm nay không chỉ biết cầm súng, không chỉ biết canh giữ biển trời mà họ còn là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà kinh tế… Và bất kỳ lúc nào đất nước cần, họ cũng sẵn sàng dâng hiến cho lý tưởng cao đẹp mà họ đã chọn.
Cuộc gặp gỡ của các cựu tù Phú Quốc.
Nghiệp báo đã mang đến cho tôi rất nhiều cuộc gặp gỡ đáng quý. Trong ký ức nghề nghiệp của tôi đã may mắn có đủ đầy hình ảnh người lính thời chiến lẫn thời bình. Còn rưng rưng trong ký ức tôi là hình ảnh những cựu tù Phú Quốc mừng mừng, tủi tủi gặp lại nhau sau bao ngày xa cách; là nỗi cô đơn thẳm sâu của những thương binh không được về với gia đình mà phải sống trong các trung tâm điều dưỡng; là những người lính trở về hăng say lao động, sản xuất. Còn rất nhiều thương mến in sâu vào lòng tôi trong hình ảnh các cán bộ, chiến sỹ hải quân đêm ngày lênh đênh trên biển; những anh lính đảo lặng yên trong nỗi nhớ đất liền, nỗi nhớ người thân; anh lính biên phòng nơi rừng thiêng nước độc, đêm ngày luồn rừng cắm mốc biên giới v.v… Bao nhiêu gương mặt là bấy nhiêu câu chuyện cuộc đời. Bao nhiêu câu chuyện là bấy nhiêu cách yêu nước, yêu đồng bào… Có nồng đượm, lắng sâu, có sôi nổi, tự hào…
Trên dải đất hình chữ S đầy ân tình này, người lính ở đâu cũng được yêu thương và đùm bọc. Chính vì thế, dẫu trải qua những gian khổ khác nhau, ở đâu tình quân dân cũng rất thắm đượm. Ở đâu người lính cũng vì nước, vì dân. Người lính thời bình ở miền Trung, ngoài nhiệm vụ đặc trưng của quân đội còn thường xuyên thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ đồng bào trong thiên tai, bão lũ. Và những câu chuyện hy sinh của các anh ở thủy điện Rào Trăng (Thừa Thiên Huế), ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đóng tại Quảng Trị… trong những đợt thiên tai gần đây lại nhắc nhở mọi người về sự hy sinh thầm lặng của người lính thời bình.
Trong những ngày bộ đội gặp nạn ở Rào Trăng và ở Quảng Trị, cả nước dường như không ngủ. Không ai không mong chờ một phép màu đến với các anh. Rất nhiều những cảm xúc, sự chia sẻ đã kịp thời đến với gia đình các anh. Nghĩa đồng bào lại một lần nữa dậy lên thật ấm áp. Dẫu vô cùng tiếc thương, vô cùng đau đớn nhưng cũng thật cảm động, thật tự hào.
Cán bộ, chiến sỹ biên phòng Hà Tĩnh tuần tra kiểm soát đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19. Ảnh: Huỳnh Nam
Các chiến sỹ chốt phòng dịch ở Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ảnh: Đậu Bình
Trước đó nữa, người lính Bộ đội Cụ Hồ hôm nay cũng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình với đồng bào trong những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tính tiên phong, đức hy sinh của người lính Bộ đội Cụ Hồ lại một lần nữa phát huy mạnh mẽ trong toàn thể cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ Nam chí Bắc, ở đâu cũng thấy bóng dáng người lính trên tuyến đầu chống dịch. Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã phải sống cách ly gia đình hằng tháng trời. Nhiều người phải “nằm gai, nếm mật”, trải bao sương gió giữa rừng để đảm bảo an toàn nơi biên giới. Trong hoàn cảnh đó, gia đình của họ đã phát huy vai trò hậu phương vững chắc để họ yên tâm hơn trên trận tuyến mới.
Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 841 - Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh giúp Trường THCS Hà Huy Tập khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Ảnh: Xuân Liệu
Khi tôi ngồi suy tưởng về người lính của đất nước thì ở đâu đó trong những ngôi làng, bao cựu chiến binh cũng đang hồi ức lại đời lính của mình, bao thương binh đang nôn nao chờ gặp đồng đội; đâu đó trên những bìa rừng, nơi biển đảo xa xôi, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ vẫn đang âm thầm thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình với Tổ quốc, với đồng bào. Và tôi lại mường tượng về những cuộc gặp gỡ đầy ân tình giữa các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ. Để trong ấm áp ấy, họ lại cất lên thật hào hùng: “Đời mình là một khúc quân hành/ Đời mình là bài ca chiến sỹ/ Ta ca vang, triền miên qua tháng ngày/ Lượn bay trên núi rừng, biên cương tới nơi đảo xa. Mãi mãi lòng chúng ta/ Ca bài ca người lính. Mãi mãi lòng chúng ta/ Vẫn hát khúc quân hành ca”…
ảnh: pv-ctv
thiết kế: huy tùng