Bức “Sunlights In Cafeteria” (Ánh nắng trong quán cà phê)
Họa sĩ người Mỹ Edward Hopper (1882-1967) là một tên tuổi nổi danh, ông theo đuổi trường phái hiện thực. Trong những bức tranh của ông, người ta luôn nhận thấy sự thanh đạm, sơ sài được tính toán kỹ lưỡng đến mức trở thành đẹp đẽ, tinh tế, phản ánh cách nhìn của Hopper đối với đời sống hiện đại bên trong thành phố.
Người ta thường gắn sự cô đơn vào những bức tranh Hopper vẽ về thành phố, họ cho rằng đây là một chủ đề quan trọng xuất hiện trong hàng loạt tác phẩm của ông, dù vậy, Hopper chưa bao giờ thích thú với nhận định đó, có lần ông đã chia sẻ với người bạn lâu năm cũng là một nhà phê bình hội họa, rằng: “Sự cô đơn đang bị làm quá lên rồi”.
Bức “Summer Interior” (Bên trong mùa hè)
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Hopper không đưa ra nhiều tuyên ngôn, ông hạn chế nhận trả lời phỏng vấn, người ta thích nhận xét gì về tranh ông “thì tùy”, ông không phản ứng lại, chỉ có điều, khi thấy người ta nói quá nhiều về chủ điểm “nỗi cô đơn” trong tranh mình, khi ấy, Hopper mới nói lên đôi chút suy nghĩ cá nhân.
Vậy, tại sao người ta luôn gắn nỗi cô đơn vào những tác phẩm hội họa của Edward Hopper?
Thứ nhất, vì tranh ông luôn có xu hướng khắc họa những con người đang ở một mình, hoặc đang được đặt ở trong một nhóm 2-3 người, nhưng bầu không khí giữa họ không lấy gì làm dễ chịu và họ có thể còn chẳng buồn giao tiếp với nhau hoặc nhìn vào mặt nhau. Những nhân vật xuất hiện trong tranh của Hopper thường mang dáng diệu cho thấy họ đang chán nản, uể oải.
Bức “Chop Suey” (Món ăn thập cẩm)
Thứ hai, cách Hopper khắc họa đường phố cũng rất đặc biệt, người ta thấy các nhân vật bị tách biệt, cô lập bởi những bức tường được dựng lên, không chỉ vậy, họ còn bị phơi bày tất cả sự riêng tư qua những ô kính trong suốt, khiến bất cứ người xa lạ nào cũng có thể vô tình để ánh mắt của mình lướt vào săm soi, nhìn ngó.
Bức “Office in a Small City” (Văn phòng trong thành phố nhỏ)
Đời sống thành thị trong tranh Hopper muôn màu muôn vẻ, nhưng luôn có chung một kiểu bố cục và ý tưởng: sự cô đơn dựng lên bởi những bức tường bê-tông và sự phơi bày không thể nào ngăn nổi bởi những ô kính trong suốt.
Bức “Morning in a City” (Buổi sáng trong thành phố)
Sự ngột ngạt của không gian thành phố cũng là điều Hopper khắc họa tinh tế. Chẳng hạn như trong bức “Morning in a City” (Buổi sáng trong thành phố), sự ngột ngạt ấy được khắc họa một cách rất nhẹ nhàng.
Thoạt tiên, người ta thấy trạng thái cô độc dễ chịu và bình thản của nhân vật nữ chính - một phụ nữ khỏa thân đứng trước ô cửa sổ, trên tay cầm một chiếc khăn tắm, hoàn toàn thư giãn, thoải mái trong dáng điệu.
Có thể thấy ở người phụ nữ cảm nhận về sự bình yên, thế nhưng vẫn có một cơn rùng mình, dù nhẹ nhàng thôi, nó nằm ở góc trái của bức tranh, nơi ô cửa sổ để ngỏ cho thấy những tòa nhà cao tầng vây xung quanh. Những tòa nhà như đang quan sát ngược lại người phụ nữ.
Hình ảnh những căn hộ đối diện hiện ra ở góc tranh, nơi người ta thấy những ô cửa sổ mành xanh được kéo xuống nửa chừng, không thể nhìn sâu vào những căn hộ đối diện ấy bởi bóng tối vẫn còn bao phủ bên trong.
Nếu cửa sổ gợi nhắc tới những đôi mắt của đô thị, vậy thì tồn tại đằng sau những ô cửa kéo rèm hững hờ kia một sự không chắc chắn, liệu có ai đó đang đứng sau ô cửa âm thầm quan sát người phụ nữ hay không…
Điều quan trọng hơn thế, người ta nhìn thấy ở nhân vật nữ chính sự “thây kệ”, bởi giữa vô số những ô cửa giống hệt nhau, người ta có thể sẽ chỉ nhìn rất thoáng qua thôi và bỏ qua ô cửa sổ phòng cô, chẳng ai buồn để ý. Những ô cửa sổ nhàm tẻ bị lãng quên vì đơn điệu, dù chúng mở vào những góc đời riêng của những con người sinh sống nơi phố thị.
Bức “Night Windows” (Những ô cửa đêm)
Trong bức “Night Windows” (Những ô cửa đêm), những nỗi lo lắng, bồn chồn lại được thổi vào tranh một cách đầy tinh tế. Bức tranh dựng lên bối cảnh của một căn hộ trên tầng cao, với 3 ô cửa, cho phép ánh nhìn từ bên ngoài soi rọi vào trong.
Với ô cửa thứ nhất, tấm rèm đang bị gió cuốn thổi ra ngoài, khiến người xem như rùng mình trước cái lạnh của đêm.
Với ô cửa thứ hai, người ta nhìn thấy một người phụ nữ đang mặc chiếc váy ngủ màu hồng, cô đang cúi xuống làm gì đó, vòng hông làm chiếc váy nhỏ căng ra, một dáng điệu mềm mại và gợi cảm.
Với ô cửa thứ ba, ánh sáng ngọn đèn bàn hắt ra ngoài bậu cửa qua tấm rèm đỏ, để lại vệt sáng đỏ như ngọn lửa.
Trong bức tranh này, Hopper đã khéo léo cho thấy sự riêng tư của người phụ nữ bị phá vỡ như thế nào. Cô đang ở trong căn phòng riêng, nhưng những ô cửa đã phơi bày tất cả trước ánh nhìn của ai đó bên ngoài, cũng chính là góc nhìn mà bức tranh mở ra.
Bức “Girl at Sewing Machine” (Cô gái ngồi bên máy khâu)
Trong tranh Hopper, ông nhấn mạnh vào sự đơn độc của con người trong không gian đô thị, nhưng ngay cả trong sự đơn độc ấy, họ cũng không được phép ở một mình, bởi một sự can thiệp thô bạo vô hình được khắc họa rất tế nhị và gần như ám ảnh vị danh họa.
Hopper sinh ra và qua đời ở New York, sở thích của ông lúc sinh thời, đó là ngồi tàu điện trên cao lúc đêm xuống, ông luôn mang theo tập giấy để phác họa nhanh những khung cảnh mà ông nhìn thấy qua những ô kính cửa sổ để ngỏ, từ trong khoang tàu điện trên cao.
Sự đông đúc và cấu trúc của thành phố khiến Hopper bị ám ảnh rằng ngay cả khi người ta ở một mình trong căn hộ của riêng mình, người ta vẫn luôn có thể bị rơi vào tầm quan sát của một người xa lạ nào đó.
Bức “Nighthawks” (Những người đi chơi đêm)
Bức “Nighthawks” (Những người đi chơi đêm) là một tác phẩm rất nổi tiếng của Hopper, tác phẩm được nhiều nhà phê bình hội họa đánh giá là “bức tranh sâu sắc, thấm thía nhất, và được chép lại nhiều nhất, kể về sự cô đơn lãng mạn đầy chất Mỹ”.
Tông xanh buồn thống trị trong tác phẩm hòa quyện vào màn đêm mà bối cảnh giăng ra. Trong bức tranh không có lối thoát (lối cửa ra - vào không thấy đâu). Nhìn từ bên ngoài, căn phòng như bị khóa kín bởi tường và kính.
Bên trong phòng có một cặp đôi, một anh nhân viên quầy bar, một người đàn ông ngồi một mình. Dường như không ai nói chuyện với ai, không ai nhìn vào ai, một sự thiếu kết nối, đứt gãy.
Ngay cả nhân vật người phục vụ quầy bar cũng đem lại cảm nhận về sự bó buộc, cậu ta không chỉ bị bó buộc trong căn phòng mà còn trong ô vuông quầy bar. Sự hiện diện của những bậu cửa, của bệ quầy bar làm hẹp thêm không gian tranh, không để chừa lại nhiều khoảng trống cho “lối thoát”.
Hopper đã khéo léo sử dụng hình học tạo nên sự ức chế thị giác và tác động tới cảm giác của người xem tranh, khiến họ cảm thấy sự ngột ngạt, khó chịu.
Bức “Automat” (Quán ăn tự phục vụ)
Bức “New York Office” (Văn phòng ở New York)
Trong tranh của Hopper, kiến trúc đô thị đặc trưng với tường và kính. Đặc biệt, những tấm kính mang tính hai mặt: vừa khoanh vùng, bó hẹp không gian, vừa phơi bày không gian mà nó đang khoanh vùng.