Vẻ đẹp Hà Tĩnh qua cảnh sắc núi Hồng, sông Lam. Ảnh: Đình Nhất
Nhiều loại hình du lịch phong phú
Trên bản đồ đất liền hình chữ S, Hà Tĩnh nằm ở vị trí giữa 2 đầu đất nước thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Qua những di chỉ khảo cổ học, như: Phôi Phối - Bãi Cọi (Nghi Xuân), Thạch Lạc (Thạch Hà)… cho thấy, từ khoảng 5.000 năm trước, người Việt cổ đã sinh sống trên vùng đất này. Trải qua hàng nghìn năm trong tiến trình lịch sử của dân tộc, từ các triều đại phong kiến cho đến ngày nay, vùng đất núi Hồng, sông La đã ghi tên mình vào bản đồ đất nước bằng những kiến tạo văn hóa, lịch sử mang bản sắc riêng.
Từ những di chỉ khảo cổ cho thấy người Việt cổ đã sinh sống tại Hà Tĩnh từ khoảng 5.000 năm trước. Trong ảnh: Những hiện vật khai quật ở di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc (Thạch Hà).
Về Hà Tĩnh là trở về với cội nguồn lịch sử qua những di tích lịch sử, văn hóa, những địa danh mang huyền tích hàng nghìn năm qua đã được lưu truyền. Đó là núi Hồng Lĩnh, một trong những ngọn núi đẹp nhất Việt Nam lưu truyền về huyền sử kinh đô nước Việt Thường; chùa Hương Tích gắn liền với câu chuyện công chúa Diệu Thiện con vua Sở Trang Vương đến tu hành đắc đạo; những giai thoại về phường săn núi Hồng của Đại thi hào Nguyễn Du hay câu chuyện về danh nhân Nguyễn Công Trứ… Hay như núi Nam Giới (Cửa Sót) - nơi có Quỳnh Viên mang câu chuyện về Chử Đồng Tử và Tiên Dung du thuyền phương Nam tầm sư học đạo, nơi danh tướng Lê Khôi báo mộng cho ngư dân vớt gỗ làm quan quách an táng cho mình…
Biển Quỳnh Viên (núi Nam Giới, Cửa Sót) tương truyền là nơi Chử Đồng Tử và Tiên Dung đến tầm sư học đạo.
Và còn rất nhiều di tích, địa danh gắn liền với những câu chuyện văn hóa hấp dẫn từ các triều đại phong kiến cho đến lịch sử cách mạng thời cận đại, hiện đại, như: chuyện về cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, chuyện lấp bom san đường ở Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại…
Hà Tĩnh cũng là vùng đất của lễ hội dân gian, của những hình thức diễn xướng đã được UNESCO ghi danh, như: dân ca ví, giặm; ca trù. Nhiều du khách đã nói rằng, những giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Tĩnh đã tạo sức hút lớn khiến họ mong muốn khám phá mảnh đất này.
Ông Hồ Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Du bày tỏ: “Tôi đã từng đến nhiều quốc gia trên thế giới có ngành du lịch phát triển để tìm hiểu cách làm của họ và nhận thấy rằng, sở dĩ họ thành công là nhờ phát triển sản phẩm du lịch dựa trên câu chuyện văn hóa. Và có một thực tế cần nhìn nhận là hiếm có nơi nào mà mỗi vùng đất, địa danh đều lưu dấu những câu chuyện văn hóa đặc sắc và hấp dẫn như Hà Tĩnh. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách”.
Chùa Hương Tích có lịch sử trên 700 năm gắn liền với huyền tích công chúa Diệu Thiện con gái vua nước Sở đến đây tu hành đắc đạo.
Bên cạnh du lịch địa chỉ đỏ, du lịch tâm linh, Hà Tĩnh còn có lợi thế cảnh quan tươi đẹp và đa dạng để phát triển du lịch sinh thái hấp dẫn kết hợp nghỉ dưỡng như: Khu du lịch (KDL) sinh thái Hải Thượng với dịch vụ tắm bùn khoáng; KDL sinh thái Sơn Kim (Hương Sơn) với tắm nước khoáng nóng và trải nghiệm đồi chè…
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc KDL sinh thái Hải Thượng cho biết: “Chuẩn bị cho mùa du lịch năm nay, bên cạnh sản phẩm tắm bùn khoáng vừa đưa vào khai thác, cơ sở chúng tôi đã tiến hành chỉnh trang cảnh quan khu sinh thái, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của 70 phòng ở khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 3 sao; kiện toàn và tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên sau thời gian nghỉ hoạt động do dịch COVID-19… nhằm phục vụ du khách một cách tốt nhất”.
Khu di tích Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân)
Sức hút từ du lịch biển
Bờ biển dài 137 km với nhiều bãi biển đẹp, sóng êm, hải sản phong phú…, Hà Tĩnh hội tụ nhiều lợi thế để tạo ra những sản phẩm du lịch biển thu hút du khách. Thời gian qua, nhiều khu, điểm du lịch biển đã được đầu tư xây dựng nhằm phát huy lợi thế du lịch biển, như: KDL Xuân Thành (Nghi Xuân), Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Quỳnh Viên (Thạch Hà), các khu resort như: Vinpearl Cửa Sót (Lộc Hà), Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh)… Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đang tìm hiểu đầu tư các dự án KDL biển cao cấp, với số vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng.
Khu du lịch Xuân Thành (Nghi Xuân) ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Thành Nam
Du lịch biển Hà Tĩnh còn có sức hấp dẫn đặc biệt bởi những lễ hội văn hóa cùng những hoạt động giải trí hiện đại như: trò dẫn hoa sỹ - nông - công - thương - ngư, đua ngựa bãi biển, trường đua chó, ngồi cano ngắm cảnh, sân golf 18 lỗ (KDL Xuân Thành, Nghi Xuân); lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn, chợ cá Cồn Gò (KDL Thiên Cầm); các hoạt động biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao ở biển Xuân Hải (Lộc Hà), Thạch Hải (Thạch Hà), Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh)…
Năm nay, Khu du lịch Thiên Cầm có nhiều dịch vụ mới, lần đầu tiên xuất hiện như: quầy bar bãi biển, cho thuê lều trại cắm qua đêm, cho thuê ván chèo sup, “set up” (sắp xếp) dịch vụ bữa tiệc nướng, ca nhạc trên bãi biển...
Theo các nhà hải dương học, biển Hà Tĩnh có sự pha trộn giữa 2 dòng hải lưu nóng và lạnh, tiếp giao giữa 2 vùng biển phía Bắc và Nam Vịnh Bắc Bộ tạo ra một vùng biển có dòng nước ấm; bên cạnh đó, phù sa từ các con sông khá dồi dào, giàu sinh vật phù du… Những điều kiện đó giúp biển Hà Tĩnh có nguồn hải sản phong phú và có hương vị hấp dẫn, thơm ngon đặc trưng như mực nhảy Vũng Áng, các loài cua, cá tươi ngon...
Biển Hà Tĩnh có sự pha trộn khá đặc biệt giữa 2 dòng hải lưu nóng lạnh giúp hải sản dồi dào và có vị ngon hấp dẫn riêng.
Để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương phối hợp xây dựng nhiều sản phẩm du lịch chất lượng. Đặc biệt, hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch quanh năm, trong đó tập trung vào du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng; phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại tại các KDL biển như: khu mua sắm, khu vui chơi giải trí, bể bơi vô cực điều hòa nóng lạnh…
Đồng thời, tăng cường truyền thông quảng bá về du lịch Hà Tĩnh trên các kênh thông tin và mạng xã hội; tiếp tục thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư các dự án để phát triển hạ tầng du lịch, từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.
Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh