Đại Hùng là một trong 4 ngôi cổ tự của vùng đất Hồng Lĩnh (Thiên Tượng - Long Đàm - Đại Hùng - Cực Lạc). Theo các thư tịch cổ, chùa được xây dựng vào khoảng đời nhà Trần. Trải qua hàng trăm năm với sự khắc nghiệt của thời tiết, sự biến thiên của lịch sử, đa số các hạng mục của di tích đều bị ảnh hưởng, thậm chí có nhiều hạng mục đã thành phế tích.
Những năm gần đây, với ý thức bảo vệ di sản văn hóa tâm linh, chính quyền địa phương cùng với các tín đồ phật tử ở khắp nơi đã đóng góp công đức, nâng cấp tôn tạo chùa.
Hằng năm, lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại chùa Đại Hùng. Ảnh Nam Giang
Nhờ đó, du khách đến thăm di tích đều được thưởng lãm vẻ đẹp trong kiến trúc cổ xưa và hiểu thêm văn hóa của vùng đất Hồng Lĩnh. Đặc biệt, khu di tích này còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật quý báu, trong đó, quả chuông được đúc vào năm thứ 7 đời nhà Nguyễn, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793- 1807), cao trên 1m, nặng khoảng 100 kg, được chạm trổ tinh xảo và khắc dòng chữ “Đại Hùng Tự Chung” đã tạo dấu ấn sâu sắc đối với du khách.
Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng còn tạo dấu ấn sâu đậm về phương diện tâm linh, du khách có thể cung kính thưởng lãm các điểm thờ dọc con đường nhỏ ghép bằng đá như: Miếu Cô Chín, Tam quan, tượng Quan Âm, nhà Tổ, nhà Thánh Mẫu, nhà Hạ Điện, Nhà Tam bảo… Đặc biệt hơn, đó chính là cơ hội được thực hành tín ngưỡng Hùng Vương mà không cần phải lặn lội ra tận Phú Thọ xa xôi.
Ngôi cổ tự là nơi nhân dân địa phương và các vùng lân cận tìm đến cầu bình an
Bà Nguyễn Thị Hạnh - du khách đến từ Nghệ An cho biết: “Từ khi chùa Đại Hùng được trùng tu, tôn tạo đã trở thành địa chỉ tâm linh hàng đầu đối với tôi. Đầu xuân nào, tôi cũng vào đây để dự lễ khai xuân, cầu an. Đặc biệt, tôi chưa bỏ một dịp giỗ Tổ nào. Chùa được khôi phục là phúc phần của thế hệ cháu con, tôi hy vọng, Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng sẽ sớm được mở rộng, đầu tư trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn hơn”.
Tuy là chốn thiền môn thờ Phật, song với quan niệm “Đất của Vua - Chùa của làng”, không chỉ có các thiện nam, tín nữ theo đạo Phật, mà bà con không theo đạo đến dịp này đều tới đây để dự lễ giỗ Tổ và dâng nén tâm nhang hướng về cội nguồn dân tộc.
Từ chùa Đại Hùng nhìn xuống một vùng non nước Lam Hồng
Những năm gần đây, khi Ban Đại diện Phật giáo thị xã được thành lập thì việc điều hành chính lễ được tổ chức bài bản, trang nghiêm hơn. Ngoài niệm Phật cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa thì buổi lễ chính còn có bài văn tế ca ngợi công lao dựng nước của các Vua Hùng. Do đó, đến với chùa Đại Hùng vào những dịp này, du khách không chỉ hiểu biết về Phật giáo mà còn hiểu thêm về tâm thức văn hóa Việt và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Bà Phan Thị Nguyệt - Ban Hộ tự chùa Đại Hùng cho biết: “Không chỉ thờ Phật, đây còn là nơi thờ thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng - là nơi mà Phật giáo đã hòa nhập với tín ngưỡng bản địa thờ cúng tổ tiên của người Việt nên có sức sống mãnh liệt và trường tồn trong tâm thức của người dân. Để đảm bảo nơi thờ phụng khang trang, trở thành địa điểm sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, nhà chùa đang tiến hành xây dựng, hoàn thiện một số hạng mục quan trọng như Kinh đô Ngàn Hống, tam cấp, nhà ở cho tăng ni phật tử…” .
Kinh đô Ngàn Hống và một số hạng mục đang được nhà chùa tiến hành xây dựng, hoàn thiện để phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân
Ngoài ra, hiện nay, Khu di tích lịch sử - Văn hóa Đại Hùng đang được quy hoạch mở rộng với quy mô 43 ha. Trong tương lai, đây được coi là điểm nhấn của không chỉ riêng du lịch Hồng Lĩnh mà còn của cả du lịch Hà Tĩnh cũng như khu vực Bắc miền Trung.