Ngôi nhà đơn sơ của họa sĩ Hoàng Hữu Trí treo những bức tranh cổ động ông vẽ về Bác Hồ.
Căn nhà nhỏ đơn sơ của ông Trí nằm sâu trong ngõ hẻm ở thôn Lương Hội, xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) treo đầy những bức tranh cổ động. Đó là những tác phẩm tâm huyết được tích lũy suốt cuộc đời sáng tác của ông. Mỗi một bức tranh đều gắn với yêu cầu tuyên truyền trong từng giai đoạn, khích lệ tinh thần, khơi dậy các phong trào thi đua của mọi tầng lớp nhân dân. Trong khối tài sản vô giá của 56 năm làm nghề, ông vẫn nhớ như in cảm xúc lần đầu tiên vẽ Bác.
“Đó là năm 1968, lúc ấy tôi đang là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, vừa học, vừa đi làm nên ngoài bài tập của trường, tôi cũng nuôi ý tưởng vẽ để phục vụ công tác thông tin của tỉnh nhân sự kiện kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. Cảm xúc thăng hoa của bức vẽ xuất phát từ lời kêu gọi cả nước tiến lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Bác. Vì thế, chỉ trong 1 ngày, tôi đã hoàn thành bức tranh cổ động, cũng là bức vẽ đầu tiên về Bác. Bức tranh đã phác họa nét mặt nhìn nghiêng của Người với vầng trán cao, mũi thẳng, chòm râu bạc, mắt ánh lên quyết tâm đanh thép cùng với trích dẫn lời kêu gọi của Bác: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi” - ông Trí hồi tưởng.
Mỗi bức vẽ về Bác đều gắn với những thời khắc lịch sử khó quên
Từng nét vẽ giản dị nhưng chứa đầy tình cảm mến yêu, kính trọng đối với lãnh tụ của anh sinh viên mỹ thuật đã tạo được hiệu ứng lớn, cổ vũ tinh thần nhân dân trong những ngày cả nước cùng đánh Mỹ. Bức tranh đó của ông vẫn còn được sử dụng đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và được trưng bày tại triển lãm tranh do Bộ Văn hóa tổ chức.
Vẽ tranh cổ động dễ mà rất khó. Trên một nội dung tuyên truyền được xác định rõ, người họa sĩ phải tìm tòi, sáng tạo, thể hiện phong cách, dấu ấn của riêng mình thì mới có được bức tranh vừa dễ hiểu, hình thức đẹp. Ngoài thần thái của mỗi bức tranh, ông Trí còn lồng vào đó những câu nói bất hủ của Người phù hợp với nội dung, hoàn cảnh để tăng thêm hiệu quả tuyên truyền, cổ động.
Ông Trí thường chia sẻ niềm vui với con gái mỗi khi hoàn thành 1 bức vẽ mới
Trong hầu hết các bức tranh của ông, hình ảnh Bác Hồ luôn giản dị, gương mặt, nụ cười hiền hậu của Người luôn hòa chung với nụ cười của quần chúng nhân dân. Trong số đó, có tác phẩm đoạt giải nhất, nhì tranh cổ động toàn quốc, nhiều bức đoạt giải của tỉnh và được lựa chọn tham dự các triển lãm tranh.
Ông Trí chia sẻ: "Hơn 40 năm vẽ tranh cổ động và vẽ về Bác Hồ, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu về Bác, cả những mẫu chuyện trong cuộc sống của Người. Vì thế, tôi đã học Bác tính cách không ngừng học hỏi, cần cù, kiên nhẫn trong công việc, luôn nuôi dưỡng niềm đam mê, sáng tạo. Đến bây giờ, khi đã bước sang tuổi 76, tôi vẫn giữ nguyên niềm đam mê ấy trong những sáng tác mới của mình”.
76 tuổi đời, ông vẫn sống với niềm đam mê trong từng nét vẽ
Mỗi ngày, người dân thôn Lương Hội vẫn thường gặp ông Trí cùng chiếc xe máy thân thuộc trên những nẻo đường. Đó là những chuyến đi giúp ông tích lũy tư liệu cuộc sống, tìm kiếm ý tưởng.
Hằng năm, những tác phẩm mới của ông vẫn thường xuyên xuất hiện trên các triển lãm khu vực, trong và ngoài tỉnh. Gần đây nhất, tác phẩm của ông được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) lựa chọn tham gia triển lãm tại Nghệ An nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác. Đam mê nghề, với ông, khi trái tim vẫn đập, đôi tay vẫn cầm cọ vẽ vững vàng và trí óc vẫn còn minh mẫn thì những bức tranh cổ động đầy sáng tạo, nhiệt huyết vẫn góp sức làm đẹp thêm cho cuộc đời.